Quyết định 282/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 282/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 20/12/2006
Ngày có hiệu lực 15/01/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/2006/QĐ-TTg 

Hà Nội, ngày  20  tháng 12  năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2006 – 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng (tại tờ trình số 1460/TTr-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2006) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tại văn bản số 7895/BKH-TĐ&GSĐT ngày 26 tháng 10 năm 2006) về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2020 

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2020 phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước;

b) Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường;

c) Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học;

d) Phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy các thế mạnh và lợi thế so sánh của Tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực (cả nội lực và ngoại lực), nhất là nguồn vốn đầu tư và khoa học - công nghệ;

đ) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền quốc gia;

e) Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với bên ngoài để phát triển.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế với nhịp độ tăng trưởng nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn so với giai đoạn trước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế. Ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản lý… để tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào ở vùng biên giới. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia. Phấn đấu đến năm 2020, Cao Bằng đạt trình độ phát triển ở mức khá so với các tỉnh trong Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và có mức thu nhập bình quân/người bằng với mức thu nhập bình quân/người chung của cả nước.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt bình quân 15%/năm thời kỳ 2006 - 2010; 13%/năm thời kỳ 2011 - 2015 và 10%/năm thời kỳ 2016 - 2020;

- GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt trên 600USD và năm 2020 đạt 1.600USD;

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp - xây dựng (đến năm 2010: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 25,9%, công nghiệp - xây dựng chiếm 28,4%, dịch vụ chiếm 45,7%; đến năm 2015: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản  chiếm 19,1%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32,1%, dịch vụ chiếm 48,8%; đến năm 2020: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 15%, công nghiệp - xây dựng chiếm 35,8%, dịch vụ chiếm 49,2%);

- Phấn đấu đến năm 2008 hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đến năm 2020 đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học phổ thông; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 26% (trong đó, đào tạo nghề đạt 19%) vào năm 2010 và đạt 38% (trong đó, đào tạo nghề đạt 31%) vào năm 2020; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 1,0 - 1,4 vạn lao động;

- Phấn đấu đến năm 2010 đạt 9 bác sỹ và 25 giường bệnh/1 vạn dân; đến năm 2020 đạt 12 bác sỹ và 30 giường bệnh/1 vạn dân, 30% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ tăng dân số ở mức 1,0%;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2010 còn 29,5% và đến năm 2020 xuống dưới 10%; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4% vào năm 2010; đến năm 2010: 95% dân số đô thị và 85% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình đạt 90%; đến năm 2020: 100% dân số đô thị và 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình đạt 100%;

- Xây dựng và củng cố vững chắc khu vực phòng thủ trên địa bàn Tỉnh; hoàn thành cơ bản việc bố trí, sắp xếp và ổn định dân cư các xã biên giới;

- Nâng độ che phủ của rừng đạt 52% vào năm 2010, đạt 60% vào năm 2020; giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường đô thị, cửa khẩu, khu công nghiệp, khu vực khai thác quặng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Định hướng phát triển ngành và lĩnh vực

a) Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản

- Phát triển nông nghiệp hàng hoá trên cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến đối với các mặt hàng nông sản chủ lực. Lựa chọn những cây trồng thích hợp với địa hình vùng cao, có giá trị kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chú trọng vùng nghèo, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; chuyển đổi mạnh cơ cấu giữa trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ theo hướng nâng cao giá trị, tích cực ứng dụng công nghệ thích hợp nhằm tạo ra giá trị hàng hoá lớn trên một đơn vị diện tích và bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững;

[...]