ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2759/QĐ-UBND
|
Đồng Nai, ngày
26 tháng 9 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN TỈNH ĐỒNG
NAI GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008
của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009
của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư tại Tờ trình số 355/TTr- SKHĐT ngày 17/9/2012 về ban hành Đề án đào tạo,
phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án đào tạo, phát triển
đội ngũ doanh nhân tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu
tư, Công Thương, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa và các đơn vị
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Minh Phúc
|
ĐỀ ÁN
ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN
2012 - 2020
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 2759/QĐ-UBND ngày 26/9/2012 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ
ÁN ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008
của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009
của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Đánh giá thực trạng đội ngũ doanh nhân tỉnh Đồng
Nai
a) Quy mô, số lượng doanh nhân
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự cải
thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ
doanh nhân, đội ngũ doanh nhân tỉnh Đồng Nai đã có sự phát triển không ngừng về
số lượng và có những đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế ở Đồng Nai.
Đến ngày 31/12/2011, số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là trên
13.000 doanh nghiệp (không tính doanh nghiệp FDI) với tổng vốn đăng ký là
104.721 tỷ đồng (gồm cả vốn đăng ký bổ sung). Trong đó, số lượng doanh nghiệp
nhỏ và vừa trên 12.480 doanh nghiệp (chiếm khoảng 97%), chủ yếu là doanh nghiệp
thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Tương ứng với số lượng doanh nghiệp nói trên thì
số lượng doanh nhân trong nước trên địa bàn tỉnh là trên 13.000 người.
b) Chất lượng đội ngũ doanh nhân
Bên cạnh sự phát triển nhanh về số lượng, chất
lượng doanh nhân càng ngày càng được nâng lên. Nhiều doanh nhân đã thể hiện rõ
bản lĩnh sáng tạo, có tầm nhìn xa, dám chấp nhận mạo hiểm, rủi ro, vươn lên cạnh
tranh trên thị trường Quốc tế, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, có tinh thần
dân tộc và ý chí kinh doanh.
Chất lượng đội ngũ doanh nhân thể hiện qua sự
lãnh đạo điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả,
có uy tín.
c) Đóng góp của đội ngũ doanh nhân vào sự nghiệp
đổi mới
- Là lực lượng xung kích trong việc phát triển
kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thể hiện ở
sự đóng góp ngày càng tăng thuộc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
- Góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế
Quốc tế.
- Là lực lượng chủ yếu giúp giải quyết công ăn
việc làm góp phần quan trọng cho tỉnh thực hiện công tác giảm nghèo.
- Đội ngũ doanh nhân là lực lượng quan trọng
trong việc thúc đẩy sự hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa.
d) Những vấn đề tồn tại
Đội ngũ doanh nhân, đặc biệt là các doanh nhân
là lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động quản lý, điều hành
doanh nghiệp có các mặt hạn chế như thiếu tính chuyên nghiệp; thiếu sự liên kết;
chưa thực sự có chiến lược kinh doanh lâu dài; năng lực tài chính có hạn chế,
tri thức, công nghệ và kinh nghiệm về thương trường.
Vai trò của các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp chưa đủ
mạnh để phát huy sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động của các doanh
nghiệp.
2. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Qua phân tích ở trên cho thấy đội ngũ doanh nhân
ngày càng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đây là
lực lượng sản xuất tương đối mới ở Việt Nam. Do vậy cần thiết có Đề án đào tạo,
phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020 để góp phần
nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh, phục vụ ngày càng tốt
hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói
chung.
1. Quan điểm
Phần II
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
- Phát triển đội ngũ doanh nhân Đồng Nai lớn mạnh,
có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, góp phần tích cực nâng cao chất
lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tự chủ của nền kinh tế.
- Nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của
doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm
xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế, phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh
nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật,
khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước.
2. Mục tiêu đào tạo, phát triển đội ngũ doanh
nhân
a) Mục tiêu chung
Xây dựng đội ngũ doanh nhân hoạt động trong các
lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông lâm nghiệp
ngày càng lớn mạnh có năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp
hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham
gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.
b) Mục tiêu cụ thể, nội dung đào tạo
Mục tiêu cụ thể phát triển đội ngũ doanh nhân đến
năm 2020 như sau:
- Tổng số doanh nhân theo học các khóa đào tạo bồi
dưỡng giai đoạn 2012 - 2015 khoảng 1.650 người và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng
trên 3.100 người. Trong đó:
+ Đào tạo bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp
và quản trị doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giai đoạn 2012 -
2015 khoảng 850 người và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 1.500 người.
+ Đào tạo theo chương trình ngành Công Thương: Dự
kiến đào tạo tăng cường khả năng kinh doanh và các kiến thức chuyên đề về quản
lý doanh nghiệp đến năm 2015 là 800 người và đến năm 2020 khoảng 1.600 người.
Ngoài ra chưa kể đến số lượng doanh nghiệp đăng
ký các khóa đào tạo do đơn vị khác tổ chức trong, ngoài tỉnh.
3. Giải pháp đào tạo, phát triển đội ngũ doanh
nhân tỉnh Đồng Nai đến năm 2020
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển đội
ngũ doanh nhân tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 nêu trên, cần thực hiện tốt các giải
pháp sau đây:
a) Nâng cao chất lượng thực hiện công tác cải
cách hành chính
Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các thủ tục liên
quan đến hoạt động doanh nghiệp như: Thủ tục đất đai, xây dựng, thủ tục về thuế,
hải quan và các lĩnh vực khác theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa nhằm giảm
chi phí đi lại của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thời gian.
b) Giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng
sản xuất
Thực hiện công khai, quy hoạch các khu, cụm công
nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành cho doanh nhân biết để lựa chọn
vị trí đầu tư phù hợp ngành nghề dự án.
- Rà soát nội dung đầu tư hạ tầng các cụm công
nghiệp một cách hợp lý nhằm giảm chi phí đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vị trí xây dựng cơ sở sản xuất.
c) Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhất là doanh
nghiệp nhỏ và vừa
- Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát
triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của
Chính phủ, quan tâm hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp
theo Luật Doanh nghiệp.
- Hỗ trợ doanh nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm
gắn với doanh nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước
ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Chú trọng cung cấp kịp thời
kiến thức pháp luật, thông tin về thị trường, về khoa học công nghệ cho doanh
nghiệp.
- Triển khai các chính sách, biện pháp tạo thuận
lợi cho doanh nhân đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản
phẩm, dịch vụ, nghiên cứu thiết kế, thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới. Phát huy
hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh sản xuất, chế biến
nông, lâm, thủy hải sản. Tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư giữa các doanh
nghiệp, doanh nhân với công nhân, nông dân và các nhà khoa học.
d) Đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân
Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo doanh
nhân, chương trình đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp theo
Thông tư Liên tịch số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31/3/2011 của liên Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính; trang bị cho doanh nhân mới những kiến thức cần thiết
về kinh doanh, về pháp luật và trách nhiệm xã hội; từng bước tiếp cận chuẩn mực
pháp luật Quốc tế trong đào tạo quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
đ) Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng
phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp
- Thực hiện hỗ trợ sau đầu tư đối với các doanh
nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định số 43/2012/QĐ-UBND ngày 06/8/2012 của Ủy ban
nhân dân tỉnh; các doanh nghiệp, doanh nhân có dự án đầu tư thuộc danh mục dự
án ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư
và Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay, thủ tục
bảo lãnh tín dụng.
e) Nâng cao vai trò của các Hội, Hiệp hội nghề
nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nhân giao lưu trao đổi kinh nghiệm và hỗ
trợ nhau trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. PHÂN CÔNG CÁC ĐƠN VỊ TRONG TỈNH
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Lập kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực,
trong đó tập trung cho các đối tượng là cán bộ quản lý là các doanh nghiệp nhỏ
và vừa hàng năm để tổ chức thực hiện;
- Thực hiện tổng hợp, báo cáo theo định kỳ, báo
cáo theo quy định, tổng hợp đề xuất các nội dung liên quan công tác hỗ trợ
doanh nghiệp.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì thẩm định, cân đối, tham mưu trình
UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho công tác đào tạo
nguồn nhân lực cho doanh nghiệp;
- Phối hợp đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh
nghiệp.
3. Sở Nội vụ
- Rà soát chấn chỉnh hoạt động các Hội, Hiệp hội
nghề nghiệp;
- Phối hợp thực hiện các công việc khác liên
quan.
4. Sở Công Thương
- Hỗ trợ các doanh nhân trong công tác xúc tiến
thương mại và các lĩnh vực khác liên quan;
- Chủ trì đào tạo, phát triển đội ngũ doanh nhân
thuộc ngành quản lý;
- Đôn đốc triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng
và đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Đề xuất các giải pháp giúp các doanh nhân hoạt
động trong lĩnh vực nông nghiệp vượt qua khó khăn;
- Phối hợp thực hiện các công việc khác có liên
quan.
6. Sở Tư pháp
- Thực hiện triển khai các hoạt động của chương
trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nhân;
- Phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất sửa
đổi các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tế.
7. Cục Thuế tỉnh
Cục Thuế tuyên truyền, triển khai thực hiện các
chính sách thuế theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 theo Quyết
định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời triển khai
kịp thời các chính sách hỗ trợ về thuế của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã
được ban hành đến doanh nghiệp.
8. Cục Hải quan tỉnh
Cục Hải quan nghiên cứu, rà soát các thủ tục hải
quan, đề xuất các giải pháp để giúp các doanh nhân thuận lợi trong việc xuất,
nhập khẩu hàng hóa.
9. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai
- Chỉ đạo các ngân hàng kinh doanh trên địa bàn
tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp
nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn;
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đề
xuất tháo gỡ khó khăn về cơ chế cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.
10. Liên minh hợp tác xã tỉnh Đồng Nai
Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan trong công
tác đào tạo và đề xuất nội dung đào tạo theo yêu cầu đối với doanh nhân là chủ
nhiệm, cán bộ quản lý hợp tác xã, ban kiểm soát.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh
và thành phố Biên Hòa
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tập
trung công tác cải cách hành chính nhằm xử lý nhanh hồ sơ cho doanh nghiệp;
- Tổ chức gặp gỡ các doanh nhân trên địa bàn
nghe phản ánh khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm
quyền giải quyết;
- Quan tâm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng
các cụm công nghiệp, làng nghề.
12. Các đơn vị khác liên quan
- Nghiên cứu đề xuất các nội dung liên quan tạo
điều kiện cho doanh nhân trong tỉnh phát triển.
II. MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP
Căn cứ nội dung Đề án và phân công cụ thể nói
trên, từng đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm và phối hợp tổ
chức thực hiện.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp kế
hoạch cụ thể hàng năm và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý,
năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Thời gian gửi kế hoạch và báo cáo như sau:
- Báo cáo kế hoạch triển khai hàng năm: Các đơn
vị được phân công lập kế hoạch chi tiết năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trong Quý
I của năm. Riêng năm 2012 các đơn vị lập kế hoạch thực hiện Quý IV/2012 gửi Sở
Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 10/2012.
- Báo cáo định kỳ hàng quý, 06 tháng, cả năm:
Các đơn vị gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư vào trước ngày 15 của tháng, quý. Riêng
báo cáo năm gửi trước ngày 15/11 hàng năm.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc
hoặc cần điều chỉnh bổ sung thì các đơn vị có báo cáo bằng văn bản gửi Sở Kế hoạch
và Đầu tư tổng hợp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh./.