Thông tư liên tịch 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC về hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC
Ngày ban hành 31/03/2011
Ngày có hiệu lực 16/05/2011
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Văn Trung,Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ – BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN TRỢ GIÚP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc lập kế hoạch, tổ chức và quản lý thực hiện hoạt động trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là trợ giúp đào tạo); dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động đào tạo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng được trợ giúp đào tạo: là các chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP; các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng thành lập doanh nghiệp.

2. Các cơ quan, đơn vị thực hiện hoạt động trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm:

2.1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

2.2. Các tổ chức, hiệp hội ở Trung ương được thành lập theo quy định của pháp luật, liên quan đến doanh nghiệp: tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề (sau đây gọi tắt là các tổ chức hiệp hội).

2.3. Các tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo: trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các tổ chức dịch vụ có chức năng đào tạo hoạt động theo quy định của pháp luật, có năng lực và điều kiện đáp ứng quy định tại Điều 8 Thông tư này (sau đây gọi tắt là cơ sở đào tạo).

Điều 3. Các hoạt động trợ giúp đào tạo

1. Điều tra, khảo sát đánh giá nhu cầu trợ giúp đào tạo; đánh giá tác động và hiệu quả của hoạt động trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Xây dựng, biên soạn, bổ sung, in ấn tài liệu cơ bản phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Tổ chức các khóa/lớp đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là khóa đào tạo).

Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện hoạt động trợ giúp đào tạo

Hoạt động trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện theo nguyên tắc xã hội hóa:

1. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) thông qua các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức hiệp hội.

2. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân tham gia đào tạo đóng góp một phần kinh phí.

3. Ngoài ra, trên cơ sở quy định của pháp luật, các cơ quan, đơn vị thực hiện hoạt động trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa huy động các nguồn tài chính khác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để thực hiện trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 5. Phạm vi sử dụng kinh phí

1. Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các hoạt động trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí hàng năm trong dự toán ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương. Đối với các tổ chức hiệp hội, ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đào tạo cho các đối tượng khác ngoài đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này.

3. Không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để chi cho các hoạt động khác ngoài các hoạt động quy định tại Điều 3 Thông tư này.

Chương 2.

TỔ CHỨC CÁC KHÓA ĐÀO TẠO CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

[...]