Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quyết định 266/2003/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2004 - 2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 266/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/12/2003
Ngày có hiệu lực 06/01/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Khoan
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 266/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 266/2003/QĐ-TTG NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 2003 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU HÀNG HÓA GIAI ĐOẠN 2004-2005

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại tại tờ trình số 307/TTr-BTM ngày 23 tháng 10 năm 2003 và tờ trình số 3950/TM-PC ngày 28 tháng 8 năm 2003,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển thị trường xuất khẩu giai đoạn 2004 - 2005 của Bộ Thương mại với mục tiêu, định hướng phát triển và các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu dưới đây :

1. Mục tiêu và định hướng phát triển thị trường :

- Mục tiêu phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn 2004 - 2005 tối thiểu là 12%/năm; đồng thời cần tận dụng mọi thời cơ và phát huy mọi nguồn lực để vượt mức tăng trưởng này.

- Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân trong giai đoạn 2004 - 2005 đối với các thị trường châu á, châu Âu, châu Đại Dương ở mức 12%/năm; ở các khu vực thị trường Bắc Mỹ, châu Phi và Mỹ La tinh 15% - 17%/năm.

- Các thị trường trọng điểm cần tiến hành công tác xúc tiến thương mại mạnh mẽ trong thời kỳ 2004 - 2005 là Hoa Kỳ, EU (các nước EU cũ và mới), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nga, Trung Đông, châu Phi và Mỹ La tinh; thị trường biên mậu.

2. Các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu :

a) Để góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng, đầu tư, phí, lệ phí theo hướng : tập trung tín dụng dài hạn cho đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, trước hết là các ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu; mở rộng bảo lãnh tín dụng thương mại, chú ý đối với các dự án đầu tư công nghệ mới sản xuất hàng xuất khẩu, các hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả; từng bước thực hiện tín dụng hỗ trợ cho các nhà nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có khối lượng lớn, ổn định, trước hết là đối với thị trường các nước trong khu vực; thu hẹp dần diện ưu đãi đối với chính sách thưởng kim ngạch xuất khẩu theo hướng tập trung vào các ngành hàng trọng điểm có sức cạnh tranh, các ngành hàng sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư trong nước; hạn chế hỗ trợ tài chính trực tiếp, chuyển sang hỗ trợ cho các yếu tố đầu vào, các giải pháp công nghệ và khoa học kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 01 năm 2004 các giải pháp xử lý cụ thể.

b) Tăng cường công tác đàm phán mở cửa thị trường, chủ động đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh hoặc xây dựng các văn bản pháp quy mới để đẩy nhanh tiến độ đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO).

Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất chủ trương ký kết, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập các điều ước quốc tế để mở rộng thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; tiến hành rà soát các Hiệp định thương mại đã ký kết, trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ký mới Hiệp định thương mại phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng yêu cầu điều chỉnh khung pháp lý tương quan hệ thống các nước thành viên mới của EU.

Uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Thương mại thành lập Ban Nghiên cứu và đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) do Bộ Thương mại chủ trì, có đại diện của các Bộ, ngành hữu quan để nghiên cứu xu hướng phát triển của FTA trên thế giới, đề xuất sách lược của ta trong việc tham gia và thực hiện các cam kết FTA. Bộ Thương mại xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Ban này.

c) Nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, dự báo thị trường và xúc tiến thương mại:

- Công tác thông tin:

Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, đặc biệt là các Bộ : Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản cần thực hiện công tác dự báo thị trường ngoài nước thường xuyên và định kỳ 03 tháng, 06 tháng, hàng năm. Nội dung dự báo tập trung vào tình hình thị trường, quan hệ cung cầu, biến động giá cả trong và ngoài nước, đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp và hộ nông dân tham khảo định hướng kế hoạch kinh doanh, sản xuất.

Cơ quan nhà nước thực hiện dự báo thị trường có trách nhiệm phổ biến các dự báo thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo, đài...), trên trang Web của cơ quan mình, xuất bản các ấn phẩm, chuyên đề.

Khuyến khích các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tự tổ chức nghiên cứu, dự báo thị trường ngoài nước trên cơ sở các Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia hàng năm và Chiến lược kinh doanh của từng ngành hàng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển thị trường xuất khẩu:

Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành khi giao hoặc đấu thầu đề tài khoa học cần ưu tiên lựa chọn và cấp kinh phí cho các đề tài khoa học liên quan trực tiếp đến việc phát triển thị trường ngoài nước, nghiên cứu thâm nhập các kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa; hệ thống pháp luật liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu của nước ngoài; nhu cầu và thị hiếu, tập quán kinh doanh và các giải pháp cho các ngành hàng ở những thị trường tiềm năng; giải quyết tranh chấp thương mại.

Các cơ quan quản lý đề tài khoa học của Nhà nước có trách nhiệm cung cấp và phổ biến các kết quả nghiên cứu thị trường ngoài nước của mình khi có yêu cầu.

Khuyến khích các công trình nghiên cứu về thị trường ngoài nước không thuộc kinh phí ngân sách trên cơ sở hợp đồng đặt hàng của các tổ chức, đơn vị kinh doanh.

- Công tác xúc tiến thương mại:

Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, các Hiệp hội, Tổng công ty ngành hàng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá việc triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm năm 2003; điều chỉnh các Chương trình này và đề xuất các chương trình trọng điểm cho thời kỳ 2004 - 2005 cho sát tình hình thực tế, gắn với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu thời kỳ 2004 - 2005, đồng thời sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách có hiệu quả hơn.

Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại cơ chế hiện hành về hỗ trợ xúc tiến thương mại các chương trình trọng điểm quốc gia và đề xuất với Chính phủ các biện pháp hoàn thiện chính sách này trong đầu qúy I năm 2004.

[...]