Quyết định 26/2010/QĐ-UBND về quy hoạch phát triển ngành thư viện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 26/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/06/2010
Ngày có hiệu lực 24/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Võ Hùng Việt
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2010/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 14 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯ VIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thư viện, ngày 28 tháng 12 năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 72/2002/NĐ-CP, ngày 06 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT, ngày 04 tháng 5 năm 2007 của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thông tin phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 27/TTr-SVHTTDL, ngày 30 tháng 3 năm 2010.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy hoạch Phát triển ngành Thư viện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện và thị xã chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy hoạch. Tổ chức kiểm tra, đánh giá hàng năm và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thủ trưởng các sở, ngành có liên quan. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Hùng Việt

 

QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯ VIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020.
( Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2010/QĐ-UBND, ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Ban hành Quy hoạch Phát triển ngành Thư viện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 ).

PHẦN MỞ ĐẦU

TẦM QUAN TRỌNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG QUY HOẠCH

I. CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ NGHIỆP THƯ VIỆN

1. Bối cảnh Tây Ninh.

Tây Ninh là tỉnh biên giới thuộc miền Đông Nam bộ với đường biên giới Việt Nam-Campuchia dài 240km, có vị trí địa lí thuận lợi, gần thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tây Ninh là một trong những cửa ngõ của Việt Nam trên tuyến đường bộ Xuyên Á nối liền với Campuchia qua 02 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, là tiềm năng quan trọng để thông thương và phát triển kinh tế giữa hai nước. Với diện tích tự nhiên là 4.035,45 km2 ; dân số 1.066.402 người gồm 26 dân tộc sinh sống trong đó có 05 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Chăm, Hoa và S’tiêng; các đơn vị hành chính bao gồm 01 Thị xã, 08 huyện, 95 xã, phường, thị trấn. Trong những năm qua tỉnh Tây Ninh đã có những bước phát triển đáng kể về kinh tế - xã hội, nền kinh tế đã thoát khỏi thời kỳ khó khăn, dần dần ổn định, đời sống nhân dân đã được cải thiện đáng kể.

Là tỉnh có nhiều khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được nhiều người biết đến như: Khu du lịch núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao đài, Khu di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam, công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng với diện tích 27.000 ha, có sức chứa 1,5 tỷ m3 và nhiều địa danh khác… Tây Ninh có điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển các tiềm năng du lịch, qua đó đời sống văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là thông qua các thiết chế văn hóa như: Hệ thống thư viện, nhà văn hóa, đội văn nghệ quần chúng, điểm bưu điện văn hóa xã, các thư viện huyện, phòng đọc sách... Đang từng bước được hình thành và hoạt động đều khắp các huyện, thị đã tương đối đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng nhân dân.

1.1. Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh đến năm 2010

Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006-2010 là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước mắt tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến; chọn lọc, đổi mới trang thiết bị, quy trình công nghệ một số ngành công nghiệp tiên tiến phục vụ cho ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao dần tỷ trọng ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để đến năm 2020 Tây Ninh cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển bền vững. Đồng thời dự báo mức tăng dân số chung giai đoạn 2006 – 2010 là 1,4%/năm, đến năm 2010 dân cư đô thị chiếm khoảng 30%. Tỷ lệ trường trung học cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc gia là 40%; trung học phổ thông là 60%. Đầu tư nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh và đã nâng cấp Trường Trung học Chuyên nghiệp tỉnh thành Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà sẽ làm thay đổi sâu sắc và toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của người dân, nhiều khu công nghiệp; khu kinh tế; cụm công nghiệp từng bước được đầu tư mở rộng và đi vào hoạt động, đây là những yếu tố sẽ làm tác động đến sự phát triển của ngành thư viện tỉnh nhà.

1.2. Quy hoạch và phát triển chung của tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

[...]