Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị định 02/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng

Số hiệu 02/2009/NĐ-CP
Ngày ban hành 06/01/2009
Ngày có hiệu lực 08/03/2009
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 02/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN TƯ NHÂN CÓ PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Thư viện ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (sau đây gọi chung là thư viện tư nhân) và của người đứng tên thành lập thư viện tư nhân; chính sách của Nhà nước và quản lý nhà nước đối với thư viện tư nhân.

2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở trong nước liên quan đến thư viện tư nhân.

Việc thành lập thư viện của tổ chức Việt Nam thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thư viện năm 2000.

Việc thành lập thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài không vì mục đích lợi nhuận thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về lập và hoạt động của các cơ sở văn hóa, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Việc thành lập thư viện dưới hình thức doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Việc thành lập thư viện dưới hình thức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Đầu tư năm 2005.

Điều 2. Thư viện tư nhân

Thư viện tư nhân là cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập trong lĩnh vực thư viện, do một người hoặc một nhóm người thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thư viện tư nhân có chức năng thu thập sách, báo và các dạng tài liệu khác (sau đây gọi chung là vốn tài liệu thư viện) phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, thông tin, nghiên cứu của công chúng ở cơ sở.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước

1. Nhà nước khuyến khích việc thành lập thư viện tư nhân để phục vụ rộng rãi công chúng; coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của thư viện tư nhân.

2. Thư viện tư nhân được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

3. Thư viện tư nhân được tham gia các dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện do Nhà nước tài trợ, đặt hàng; được tiếp nhận sách luân chuyển từ các thư viện công cộng nhà nước.

4. Người làm việc trong thư viện tư nhân được miễn phí khi tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thư viện do ngành văn hóa tổ chức.

5. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để thư viện tư nhân ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện.

6. Tài sản được hiến tặng, hoặc viện trợ không hoàn lại trong quá trình hoạt động của thư viện tư nhân không được chia cho cá nhân, chỉ sử dụng chung cho lợi ích của cơ sở và cộng đồng.

Chương 2.

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN TƯ NHÂN

Điều 4. Tên của thư viện tư nhân

1. Tên của thư viện được đặt theo một trong các căn cứ sau:

[...]