Quyết định 10/2007/QĐ-BVHTT phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành

Số hiệu 10/2007/QĐ-BVHTT
Ngày ban hành 04/05/2007
Ngày có hiệu lực 19/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá-Thông tin
Người ký Lê Doãn Hợp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số 10/2007/QĐ-BVHTT

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯ VIỆN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN

Căn cứ Nghị định số: 63/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá - Thông tin;
Căn cứ Nghị định số: 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Pháp lệnh Thư viện được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28/12/2000;
Căn cứ Nghị định 72/2002/NĐ - CP ngày 6 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện;
Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin xem xét, phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến 2010 và định hướng đến năm 2020(Văn bản số: 1652/VPCP-VX ngày 29/3/2007 của Văn phòng Chính phủ;
Theo đề nghị của Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Thư viện,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

1 - Quan điểm phát triển:

Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 phải dựa trên những quan điểm sau:

a - Hoạt động thư viện được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước; chủ động dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình thư viện trong mối liên kết chặt chẽ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

b - Quy hoạch phát triển thư viện phải phù hợp với các quy hoạch phát triển chuyên ngành thuộc lĩnh vực Văn hoá - Thông tin và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài.

c - Thống nhất quan điểm đầu tư cho thư viện là đầu tư cho giáo dục, cho phát triển nguồn nhân lực Việt Nam.

d - Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thư viện, phát huy hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước. Tranh thủ tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, đồng thời huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển ngành thư viện Việt Nam. Phù hợp trong bối cảnh đất nước đang chủ động và khẩn trương hội nhập kinh tế quốc tế.

2 - Định hướng đến năm 2020

a - Đầu tư đúng mức cho thư viện, chú trọng những thư viện có tính khu vực: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ hoặc có ảnh hưởng lớn đến vùng lân cận phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương, vùng, lãnh thổ và quốc gia.

b - ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm tự động hoá, hiện đại hoá trong các khâu hoạt động của thư viện. Phát triển thư viện điện tử và thư viện kỹ thuật số.

c - Sưu tầm, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá trong thư viện theo phương pháp hiện đại dựa vào công nghệ thông tin phát triển ở mức cao. Hình thành 3 trung tâm bảo quản vùng tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh. Số hoá 100% tài liệu quý hiếm trong thư viện.

d - Khai thác triệt để và có hiệu quả nguồn lực thông tin trong và ngoài nước.

đ - Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành thư viện có trình độ chuyên môn cao và ngoại ngữ thông thạo, không những làm việc tốt ở trong nước mà còn làm việc tốt ở nước ngoài dưới dạng chuyên gia hoặc hợp tác giao lưu trao đổi thông tin.

e - Đẩy mạnh xã hội hoá theo nguyên tắc xây dựng đi đôi với quản lý tốt để phát triển độc giả. Kết hợp các loại hình thư viện trên địa bàn, thực hiện phương pháp mượn liên thư viện nhằm phục vụ tốt nhu cầu và dùng tin của người đọc. Củng cố và tiếp tục xây dựng xã hội đọc.

3 – Mục tiêu phát triển chủ yếu:

a – Thư viện công cộng:

- Thư viện công cộng phải là nguồn lực giúp nâng cao dân trí và phổ cập giáo dục của cộng đồng, là cơ quan giáo dục thường xuyên dành cho mọi người.

- Thư viện công cộng là thiết chế văn hoá có tính dân chủ cao nhất. Mọi người dân, không phụ thuộc vào lứa tuổi, giới tính, tôn giáo, dân tộc đều có quyền sử dụng thư viện. Phấn đấu nhiều dịch vụ của thư viện bạn đọc không phải trả tiền.

- Tiến tới tổ chức một mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, linh hoạt, phù hợp và hấp dẫn ở khắp mọi vùng, miền trên địa bàn cả nước; củng cố và xây dựng thư viện ở tất cả các quận, huyện, thị xã, đẩy mạnh phát triển thư viện ở cấp xã (cơ sở). Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, đặc biệt góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai.

- Đảm bảo mỗi người dân có 0,7 cuốn sách trong các thư viện công cộng và 20% dân số cả nước sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng.

- Tạo cho người đọc sự tiếp cận tối đa tới các tài liệu, trước hết là vốn tài liệu có trong các thư viện cả nước, cung cấp tri thức và thông tin hữu ích cho người sử dụng.

- Hiện đại hoá, tin học hoá trong các thư viện công cộng, đặc biệt là Thư viện Quốc gia, trước mắt sẽ ưu tiên tập trung hiện đại hoá các thư viện trung tâm tỉnh, thành phố và tin học hoá bước đầu cho các thư viện cấp huyện.

- Phấn đấu đến năm 2010, toàn bộ thư viện các tỉnh, thành phố được nối mạng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, Internet, số hoá 20% tài liệu quý hiếm, 40% thư viện cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin.

[...]