ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:26/2005/QĐ-UB
|
TP.Cần Thơ, ngày 06 tháng 04 năm
2005
|
QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ CẦN
THƠ
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính
phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu; Thông tư
25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định
10/2002/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 15/2000/TT-BXD ngày 13/11/2000 của Bộ Xây
dựng V/v hướng dẫn các hình thức quản lý thực hiện dự án đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 26/2004/QĐ-UB ngày 02/01/2004 của Ủy
ban nhân dân lâm thời thành phố Cần Thơ V/v thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư
xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ;
Theo đề nghị của Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng
thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn:
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ (gọi tắt
là Ban Quản lý dự án thành phố) là đơn vị sự nghiệp quản lý dự án đầu tư, chịu
sự quản lý toàn diện và trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Ban Quản lý dự án thành phố có tư cách pháp nhân, có con dấu
và tài khoản riêng theo quy định của Pháp luật hiện hành.
a. Chức năng:
Ban Quản lý dự án thành phố hoạt động dưới hình thức:
- Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện các dự án do Chủ
tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao làm Chủ đầu tư, hoặc các dự án do Bộ, ngành
Trung ương ủy quyền làm Chủ đầu tư.
- Chủ nhiệm điều hành dự án đối với dự án không làm Chủ đầu
tư và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ.
b. Nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố giao đối với dự án có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước do thành phố
quản lý và những dự án do Bộ, ngành Trung ương ủy quyền quản lý theo quy định
của pháp luật;
2. Thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện
dự án và chủ nhiệm điều hành dự án theo qui định của Luật Xây dựng và Nghị định
số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng
công trình, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương có liên quan đến
lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng;
3. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các dự án
thuộc quyền quản lý của mình và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan giám
sát đầu tư của Nhà nước ở các cấp trực thuộc (Bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân
thành phố); phát hiện và báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền quyết định đầu
tư và cơ quan giám sát đầu tư những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình
thực hiện dự án và kiến nghị các giải pháp khắc phục;
4. Thành lập và thực hiện nhiệm vụ quản lý trực tiếp đối với
các Ban Quản lý dự án thành phần và các Ban Điều hành dự án thành phần. Đối với
hình thức Chủ nhiệm điều hành dự án, trong trường hợp cần thiết, Giám đốc Ban
quản lý dự án thành phố thỏa thuận với lãnh đạo ngành và chính quyền địa phương
nơi có dự án đầu tư để cử đại diện trực tiếp tham gia vào Ban Chủ nhiệm điều
hành dự án;
5. Các nhiệm vụ cụ thể trong quá trình quản lý điều hành dự
án:
5.1. Trực tiếp tổ chức tuyển chọn tư vấn bằng hình thức đấu
thầu hoặc chỉ định thầu theo qui định của Pháp luật để thực hiện các công việc
sau:
- Điều tra, khảo sát, lập dự án đầu tư;
- Lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ tái định cư (nếu có);
- Khảo sát thiết kế, lập tổng dự toán công trình xây dựng;
- Lập hồ sơ mời thầu xây lắp, cung cấp thiết bị vật tư;
- Giám sát kỹ thuật xây dựng.
5.2. Lập và thực hiện kế hoạch huy động vốn và sử dụng vốn
đầu tư, kế hoạch tài chính của dự án, tiếp nhận vốn từ các cơ quan cấp phát
vốn.
5.3. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban
nhân dân các quận, huyện lập các thủ tục về đất đai, thực hiện công tác bồi
thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình trong
phạm vi dự án.
5.4. Trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định trước khi trình
cấp có thẩm quyền quyết định và phê duyệt thủ tục đầu tư.
5.5. Tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng xây lắp, cung ứng
vật tư, thiết bị theo đúng qui định của Pháp luật.
5.6. Theo dõi, kiểm tra hoạt động của tổ chức tư vấn xây
dựng và ký kết hợp đồng. Làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để giải
quyết các vấn đề về định mức, đơn giá, dự toán và các chính sách chế độ (nếu
có).
5.7. Theo dõi và kiểm tra tiến độ thi công và chất lượng các
hạng mục công trình của các nhà thầu, nghiệm thu và thanh quyết toán các hợp
đồng kinh tế, thanh toán phiếu giá theo hợp đồng.
5.8. Tổng nghiệm thu công trình, bàn giao đưa công trình vào
khai thác sử dụng. Lập báo cáo thực hiện vốn đầu tư hàng năm, báo cáo quyết
toán vốn đầu tư khi dự án hoàn thành.
6. Ban Quản lý dự án thành phố có các quyền hạn như sau:
6.1. Có quyền từ chối thanh toán các hợp đồng tư vấn, xây
lắp, mua sắm thiết bị, vật tư nếu không đảm bảo chất lượng, số lượng hoặc vi phạm
hợp đồng.
6.2. Đình chỉ việc thực hiện các công trình xây dựng nếu
chất lượng thi công xây lắp không đúng tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật hoặc không
đảm bảo yêu cầu thiết kế đã được duyệt, không đảm bảo tiến độ thi công theo kế
hoạch được duyệt.
6.3. Đề xuất với các cơ quan Ban, ngành cung cấp thông tin
liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ bản của thành phố
nhằm hỗ trợ thực hiện công tác quản lý dự án.
6.4. Kiến nghị cấp có thẩm quyền, các Bộ, ngành TW (đối với
dự án được ủy quyền), địa phương về những vấn đề cần giải quyết liên quan đến
các dự án do mình quản lý để đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư.
6.5. Khi phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong
quá trình thực hiện dự án được quyền kiến nghị người có thẩm quyền quyết định
đầu tư điều chỉnh dự án trong trường hợp cần thiết.
6.6. Được quyền thành lập, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động đối
với các Ban Quản lý dự án thành phần, các Ban Điều hành dự án trực thuộc Ban
Quản lý dự án thành phố; đồng thời kiến nghị xử lý kịp thời những vấn đề phát
sinh ngoài phạm vi thẩm quyền của các Ban Quản lý dự án thành phần;
6.7. Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thành phố giao.
c. Nghĩa vụ:
1. Thuê tư vấn lập dự án trong trường hợp không đủ điều kiện
năng lực lập dự án đầu tư xây dựng công trình để tự thực hiện;
2. Xác định nội dung nhiệm vụ của dự án đầu tư xây dựng công
trình;
3. Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến dự án đầu tư
xây dựng công trình cho tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình;
4. Tổ chức nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây
dựng công trình theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê
duyệt;
5. Thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết;
6. Lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình;
7. Bồi thường thiệt hại do sử dụng tư vấn không phù hợp với
điều kiện năng lực lập dự án đầu tư xây dựng công trình, cung cấp thông tin sai
lệch; thẩm định, nghiệm thu không theo đúng qui định và những hành vi vi phạm
khác gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
8. Các nghĩa vụ khác theo qui định của Pháp luật.
d. Nguồn kinh phí hoạt động của Ban Quản lý dự án thành phố:
Nguồn kinh phí hoạt động của Ban Quản lý dự án thành phố
được trích từ nguồn vốn đầu tư dự án theo quy định tại Thông tư số
98/2003/TT-BTC ngày 14/10/2003 của Bộ Tài chính.
Điều 2. Cơ cấu tổ chức và biên chế:
a. Lãnh đạo:
Ban Quản lý dự án thành phố có Giám đốc và không quá 02
(hai) Phó Giám đốc. Giám đốc là người đứng đầu đơn vị, chịu trách nhiệm trước
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của
đơn vị;
Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc, phụ trách một hoặc một
số lĩnh vực công tác do Giám đốc phân công, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và
trước pháp luật về nhiệm vụ công tác được giao. Khi Giám đốc vắng mặt, một Phó
Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều hành các mặt hoạt động của đơn vị.
b. Cơ cấu tổ chức:
- Văn phòng (Phòng Tổ chức - Hành chính cũ);
- Phòng Kế hoạch;
- Phòng Tài vụ;
- Phòng Kỹ thuật;
- Các Ban Quản lý dự án thành phần hoặc Ban Điều hành dự án
thành phần.
c. Biên chế:
- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và yêu cầu công
tác, Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định số lượng biên chế hàng năm.
- Việc bố trí cán bộ, công chức của Ban phải căn cứ vào nhu
cầu, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, viên chức Nhà nước theo quy
định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các qui định trước
đây trái với nội dung Quyết định này không còn hiệu lực thi hành.
Giao Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố phối hợp với Giám
đốc Sở Nội vụ xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý
dự án thành phố phù hợp với nội dung Quyết định này và các văn bản của pháp
luật qui định có liên quan.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc
Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận,
huyện, Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố và các đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- VP Chính phủ.
- Bộ Nội vụ,
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VB).
- TT.TU, TT.HĐND và TV.UBND TP.
- UBMTTQ TP và các đoàn thể.
- Sở, Ban, Ngành TP.
- VP Thành ủy và các Ban của Đảng.
- TT.HĐND và UBND quận, huyện.
- Lưu TTLT.
HP\2005\Q-dinh\To chuc\
chuc nang NV BQLDATP
|
TM. UBND TP.CẦN THƠ
CHỦ TỊCH
Phạm Phước Như
|