Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 25/2010/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020

Số hiệu 25/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/08/2010
Ngày có hiệu lực 25/08/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Đặng Viết Thuần
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2010/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 25 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003; Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ việc ban hành định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam);

Căn cứ Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 24 tháng 01 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành “Đề án Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2007 - 2010 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”;

Căn cứ Quyết định số 1190/QĐ- UBND ngày 2/6/2008 của UBND tỉnh Thái Nguyên v ề việc phê duyệt đề cương Dự án quy hoạch môi trường tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1876/TTr- STNMT ngày 02/8/2010 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoach bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 (có Quy hoạch kèm theo), với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm:

- Bảo vệ môi trường là một trong những nội dung cơ bản để phát triển bền vững, phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội nên quy hoạch bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phát triển bền vững.

- Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, hộ gia đình và mọi công dân trong tỉnh, bảo vệ môi trường mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu cho nên trong tổ chức thực hiện phải kết hợp giữa đầu tư của nhà nước với huy động các nguồn lực trong xã hội và tăng cường hợp tác quốc tế.

- Bảo vệ môi trường phải trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật đi đôi với nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân và toàn xã hội.

- Bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, theo nguyên tắc phòng ngừa là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; hoạt động bảo vệ môi trường phải tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, với khoa học công nghệ là công cụ hữu hiệu trong bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu:

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; bảo vệ và giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, khu khai khoáng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở chăn nuôi. Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi đối với môi trường; ứng cứu và khắc phục có hiệu quả sự cố ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và phát triển một số khu bảo tồn, vườn quốc gia. Đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu trong quy hoạch và phát triển đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chú trọng có trọng điểm trong quy hoạch và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện phân vùng quản lý môi trường để quản lý phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường theo mục tiêu phát triển bền vững.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao một bước nhận thức, kiến thức về phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các tầng lớp nh ân dân, các cơ quan, Đảng và Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

- Hoàn thành việc xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ trước năm 2012 và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới phát sinh.

- Nâng cao một bước vững chắc khả năng kiểm soát ô nhiễm của các cơ sở sản xuất - kinh doanh, bệnh viện, khu dân cư, khu công nghiệp bằng áp dụng rộng rãi, có hiệu quả cao các biện pháp phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường. Cụ thể: 90% chất thải rắn đô thị ở thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công; 70% chất thải rắn đô thị ở các thị trấn, 100% chất thải rắn công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý hợp vệ sinh; 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 80% các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải, 80% các cơ sở sản xuất công nghiệp có hệ thống xử lý khí thải đạt Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam; 100% số bệnh viện có trạm xử lý nước thải đạt Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam.

- Trước năm 2020 hoàn thành cơ bản việc cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải ở thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công, các thị trấn cấp huyện, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng vận hành các trạm xử lý nước thải đô thị tập trung đạt Quy chuẩn Việt Nam (trước mắt cho thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công).

- Khắc phục có hiệu qu ả mức độ ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, sông Công, hồ Núi Cốc và các sông, hồ khác.

- Giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn bằng các giải pháp tổng hợp về quản lý và công nghệ phù hợp đối với các ngành công nghiệp, giao thông xây dựng.

[...]