Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2490/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 2490/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/06/2016
Ngày có hiệu lực 01/06/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Huỳnh Thanh Điền
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2490/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 01 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 28/11/2008;

Căn cứ Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 4251/QĐ-BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải về phê duyệt Đề án "tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020";

Căn cứ Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 09/01/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Xét đề nghị của Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh tại Công văn số 112/ATGT ngày 06/5/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thanh Điền

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2490/QĐ-UBND-NC ngày 01/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

I. TÌNH HÌNH CÓ LIÊN QUAN

1. Tình hình địa bàn tỉnh Nghệ An có liên quan công tác đảm bảo an toàn giao thông

Nghệ An là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất trong cả nước với 16.490,25 km2, dân số: 3.020.407 người, hiện nay có 1 thành phố, 3 thị xã, 17 huyện; có 32 phường, 431 xã, 17 thị trấn. Mạng lưới giao thông đường bộ hiện có 13 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 1.666,45 km. Có 15 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 232,3km, các tuyến đường tỉnh kết nối ngang trục Đông - Tây; các tuyến đường tỉnh được xây dựng đã lâu quy mô nhỏ, chủ yếu là mặt đường láng nhựa nên chưa đáp ứng được khối lượng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở vùng các khu công nghiệp trong khu vực. Các tuyến đường huyện có tổng chiều dài: 378,4km; đường xã hiện có 11.882,5km; đường đô thị có 633,1km; đường chuyên dùng: 372km; 25 bến đò; có 1.325 cầu lớn, nhỏ trên các tuyến đường huyện, đường xã.

Hệ thống giao thông nông thôn ở Nghệ An hiện có gồm 2.920 tuyến với tổng chiều dài 14.296,3 km trong đó: Bê tông nhựa 42,6km chiếm 0,3%; BTXM 2.112,4 km chiếm 14,77%; Đá dăm nhựa 3.083,4km chiếm 21,56%; Đá dăm 210,5km chiếm 1,47%; đường cấp phối và đất 8.847,5km chiếm 61,66%. Các tuyến giao thông nông thôn hầu hết đều được đầu tư xây dựng đã lâu với quy mô nhỏ, chủ yếu là cấp V, cấp VI và chưa đạt cấp nên khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải lớn để kết nối giữa các cụm công nghiệp với các khu công nghiệp chưa cao. Giao thông nông thôn là một trong những mắt xích thiết yếu kết nối các vùng nông thôn với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, khu đô thị, khu kinh tế; thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới đường bộ giao thông nông thôn hiện nay chiếm trên 70% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cả tỉnh.

2. Thực trạng giao thông nông thôn ở Nghệ An và sự cần thiết xây dựng Đề án

2.1. Mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh Nghệ An vẫn trong tình trạng yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là đối với các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa. Địa bàn các xã khu vực miền núi có diện tích khá rộng, dân cư thưa thớt, các tuyến giao thông dài. Quy mô đường GTNT còn nhỏ hẹp, hệ thống cầu, cống thiếu về số lượng, chất lượng và tải trọng còn hạn chế, đặc biệt là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tỷ lệ mặt đường bê tông, nhựa còn thấp, chủ yếu mặt đường vẫn là cấp phối và đường đất. Bên cạnh đó, do nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạn chế, vừa thiếu hoặc không có, dẫn đến tình trạng đường xuống cấp ngày càng nghiêm trọng; nhiều tuyến tải trọng bị hạn chế do cầu yếu hoặc thiếu các công trình thoát nước. Hiện trạng hệ thống GTNT của tỉnh so với chỉ tiêu giao thông của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thì khối lượng cần nhựa hóa hay bê tông hóa là rất lớn.

2.2. Tình hình xây dựng và phát triển GTNT đã đạt được kết quả vượt bậc so với thời kỳ trước năm 2010. Từ năm 2010 đến nay, chiều dài đường GTNT đã tăng 3.172 km; 242 cầu lớn, nhỏ trên đường huyện, đường xã được xây mới; 58 cầu được cải tạo sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông. Hạ tầng GTNT ngày càng phát triển từng bước hiện đại theo hướng bền vững.

2.3. Tình hình TNGT khu vực nông thôn ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, trong đó, TNGT đường bộ chiếm trên 80%. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, năm 2015 TNGT xảy ra tại các tuyến đường nông thôn (từ đường huyện trở xuống) chiếm 10,93% tổng số vụ, 12,67% số người chết và chiếm 11,63%) tổng số người bị thương TNGT đường bộ, trong đó TNGT liên quan đến xe mô tô chiếm tới 80%. Nếu tính cả tuyến đường tỉnh lộ thì số vụ TNGT chiếm trên 28% tổng số vụ TNGT đường bộ và có khoảng 70% tổng số vụ TNGT đường bộ xảy ra trên các tuyến đường bộ ở khu vực nông thôn. Ba tháng đầu năm 2016, TNGT nông thôn chiếm 12,1%, nếu tính cả đường tỉnh chiếm 28,1% tổng số vụ TNGT đường bộ.

2.4. Phương tiện giao thông: Trong những năm gần đây, do điều kiện sống được cải thiện, số lượng phương tiện giao thông ở nông thôn đã gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là xe gắn máy và xe tải loại nhỏ, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn mặc dù có được đầu tư nhưng vẫn chưa đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện đi lại. Số vụ tai nạn và số điểm giao cắt với đường sắt và các nút giao với quốc lộ, tỉnh lộ đang có xu hướng gia tăng rõ rệt.

2.5 Công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông tại các vùng nông thôn còn hạn chế. Đối với giao thông đường bộ, người dân khi tham gia giao thông thường vi phạm một số lỗi điển hình như: Đi không đúng phần đường quy định; chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ cho phép, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia; không có giấy phép lái xe hoặc GPLX không hợp lệ. Bên cạnh đó, phần lớn người dân sống bám dọc theo các tuyến giao thông nhưng ý thức chấp hành luật giao thông còn kém vì vậy số vụ tai nạn không ngừng gia tăng...

[...]