Thông báo 168/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 168/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 07/07/2016 |
Ngày có hiệu lực | 07/07/2016 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 168/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2016 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG HÒA BÌNH - CHỦ TỊCH ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC SƠ KẾT CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016
Ngày 28 tháng 6 năm 2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các đồng chí là ủy viên, thành viên Ban thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo kết quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:
1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2016. 06 tháng đầu năm là dịp nhân dân cả nước đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Bính Thân, nhiều Lễ Hội xuân, nghỉ lễ 30/4 và 1/5; đồng thời, diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhưng tình hình trật tự, an toàn giao thông trong cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được kiềm chế; tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; trong đó, biểu dương 10 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông giảm trên 20%, gồm: Lai Châu, An Giang, Trà Vinh, Nam Định, Cần Thơ, Quảng Trị, Tuyên Quang, Yên Bái, Đà Nẵng, Gia Lai; đặc biệt, các tỉnh: Lai Châu, An Giang và Trà Vinh giảm trên 30%.
Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện tốt; công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông được đẩy mạnh; việc xử lý được các điểm đen gây mất trật tự, an toàn giao thông đạt được kết quả bước đầu.
2. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Mặc dù, tình hình trật tự, an toàn ao thông trong 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
- Chưa đạt mục tiêu về tỷ lệ giảm số người chết vì tai nạn giao thông (mới giảm được 2,59%); đặc biệt, số người chết vì tai nạn giao thông trong tháng 5 và tháng 6 đều tăng so với cùng kỳ năm 2016;
- Còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng; điển hình là 02 vụ tai nạn xe khách đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Bình Thuận vào ngày 22 tháng 5 năm 2016, tỉnh Lâm Đồng vào ngày ngày 04 tháng 6 năm 2016; còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản; hiện tượng xe chở quá tải trọng quy định trên đường bộ chưa được xử lý dứt điểm;
- Tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc còn diễn biến phức tạp, như hiện tượng chuyển làn không báo hiệu, không giữ khoảng cách an toàn giữa các xe, người dân phá rào, vượt hộ lan để kinh doanh trái phép còn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
- Còn để xảy ra tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; hiện tượng bảo kê, uy hiếp, hành hung đối thủ cạnh tranh, tình trạng vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh;
- Trên một số tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô còn diễn biến phức tạp; tái diễn hiện tượng ném đá lên xe ô tô, hiện tượng rải đinh và vật sắc nhọn trên một số tuyến đường bộ.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do:
Một là, còn có sự buông lỏng trong lãnh đạo thực hiện hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu chưa tập trung lãnh đạo, chưa có các giải pháp và biện pháp chỉ đạo quyết liệt; một số cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời đánh giá và xử lý những vấn đề tồn tại về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Hai là, công tác quản lý của đơn vị vận tải đối với người điều khiển phương tiện chưa nghiêm; một bộ phận chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện kinh doanh vận tải chạy theo lợi nhuận, thiếu đạo đức kinh doanh, buộc lái xe chạy nhanh để quay vòng nhiều, cộng với việc một số lái xe sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, uy hiếp sự an toàn về tính mạng, tài sản của hành khách và những người tham gia giao thông.
Ba là, một bộ phận của lực lượng thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn xuê xoa, dung túng cho những người vi phạm khi có sự can thiệp xin cho, thậm chí có người không giữ được phẩm chất, lương tâm, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, có hành vi tiêu cực, tham nhũng, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào các lực lượng thực thi công vụ.
Bốn là, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hạn chế về ý thức, đạo đức nghề nghiệp của một số lái xe, thuyền viên trong hoạt động kinh doanh vận tải; một bộ phận người dân thiếu ý thức có hành vi uy hiếp đến trật tự an toàn giao thông như hiện tượng ném đá vào xe ô tô; chiếu tia laze khi máy bay đang cất, hạ cánh.
Năm là, kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện một bước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được với sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông, còn tồn tại các điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm; hệ thống tín hiệu, biển báo giao thông còn bất cập trên một số tuyến đường bộ, đường thủy nội địa và các đường ngang qua đường sắt; có nơi còn lúng túng, chậm trễ trong công tác tổ chức, điều tiết giao thông khi có tai nạn giao thông và sự cố phương tiện.
Sáu là, công tác báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn chung chung, chưa cụ thể, nhất là việc đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, cũng như việc xác định trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành an toàn giao thông còn chưa đầy đủ; Chưa chủ động trực tiếp đề ra các giải pháp quyết liệt đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016
Để đạt mục tiêu giảm từ 5% đến 10% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông cả năm 2016; giảm số vụ ùn tắc giao thông cũng như ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1095/CĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2016 về tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quý III năm 2016 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2016 về việc tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới; trong đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
a) Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và đề án thuộc Chương trình công tác năm 2016, nhất là các đề án liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, trong đó Luật đường sắt (sửa đổi) đề nghị trình trong Quý III năm 2016; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương lập Dự án tăng cường an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng các tuyến quốc lộ trọng yếu giai đoạn 2016 - 2020, xác định rõ về nguồn vốn và cơ chế thực hiện;
c) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Giao thông vận tải địa phương đẩy mạnh triển khai công tác thẩm định an toàn giao thông để phát hiện và xử lý những bất cập về an toàn giao thông; rà soát, điều chỉnh, bổ sung thiết bị phân luồng, phân làn, biển báo, tín hiệu giao thông trên mạng lưới đường bộ, đường thủy nội địa; có phương án tổ chức, đảm bảo giao thông, chống sạt lở trên đường bộ, chống va trôi tại các vị trí cầu vượt sông, đặc biệt là trong mùa mưa bão;
d) Tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ và đường thủy nội địa; phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện nghiêm kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và hàng hải;
đ) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đối với khai thác và bảo dưỡng tàu bay, bảo đảm hoạt động bay, khai thác cảng hàng không, sân bay; rà soát, kiểm tra, khắc phục dứt điểm những yếu tố bất cập, có nguy cơ gây mất an toàn trong hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không; thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra an ninh đối với hành khách, hàng hóa qua cảng hàng không.