Kế hoạch 33/KH-BATGT năm 2016 thực hiện Đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020” do Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 33/KH-BATGT
Ngày ban hành 25/02/2016
Ngày có hiệu lực 25/02/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Văn Điệp
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

UBND TỈNH ĐỒNG NAI
BAN AN TOÀN GIAO THÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-BATGT

Đồng Nai, ngày 25 tháng 02 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020”

Thực hiện Kế hoạch số 961/KH-UBND ngày 02/02/2016 của UBND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện Đề án của Bộ Giao thông vận tải “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020”. Để tình hình trật tự ATGT trên các tuyến giao thông nông thôn có chuyển biến tích cực, nhằm ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông gia tăng trên địa bàn nông thôn, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Ban ATGT tỉnh Đồng Nai đề nghị các ngành, tổ chức thành viên, Ban ATGT các huyện, thị, thành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tại Kế hoạch số 33/KH-UBATGTQG ngày 27/02/2014 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn nông thôn (Ban ATGT tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 47/KH-BATGT ngày 14/3/2014). Đồng thời tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt Đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020”. Cụ thể như sau:

I. KHÁI NIỆM VỀ NÔNG THÔN VÀ GIAO THÔNG NÔNG THÔN

1. Khái niệm địa bàn nông thôn

"Nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Ủy ban nhân dân xã" (Quy định tại Thông tư số 54/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

2. Khái niệm giao thông nông thôn

Theo Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định: “Đường giao thông nông thôn bao gồm các tuyến nối tiếp từ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ đến tận các xã, xóm, ấp, ruộng đồng, trang trại, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi... phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của các địa phương”.

3. Phân biệt giao thông nông thôn và địa bàn nông thôn

- Giao thông nông thôn bao gồm tất cả các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa đi qua phần lãnh thổ do chính quyền xã quản lý (trừ cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường sắt quốc gia), cụ thể: Các tuyến nối tiếp từ hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường chuyên dùng; các tuyến đường huyện, trục xã, liên xã, trục ấp, đường trục chính nội đồng, đường thủy nội địa (bến phà, bến khách ngang sông, kênh rạch) phục vụ cho hoạt động giao thông công cộng.

- Địa bàn nông thôn là phần đất không thuộc nội đô thị, nó bao gồm tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy đi qua phần lãnh thổ do chính quyền xã quản lý, cụ thể: Cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường sắt, đường thủy nội địa và các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, ấp, đường trục chính nội đồng.

Như vậy tại địa bàn nông thôn là nơi có tất cả các tuyến giao thông đi qua, bao gồm đường quốc gia, đường tỉnh và đường giao thông nông thôn. Nó chứa đựng hệ thống giao thông nhiều hơn so với các tuyến giao thông nông thôn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người tham gia giao thông khu vực nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên đường giao thông nông thôn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn nhằm giảm ít nhất từ 5% đến 10% số người chết và giảm tỷ lệ từ 1 đến 2 người chết trên 100.000 người dân do tai nạn giao thông trên đường giao thông nông thôn hàng năm một cách bền vững; không xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về tuyên truyền: 100% người tham gia giao thông khu vực nông thôn được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

b) Về thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm: 100% xã có tổ tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo thẩm quyền quy định của pháp luật, nòng cốt là lực lượng Công an huyện, Công an xã và Thanh tra giao thông.

c) Về kết cấu hạ tầng

- Xóa bỏ 100% các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên các tuyến đường huyện và đường xã đang khai thác.

- 100% các huyện có bến xe khách tại trung tâm, tối thiểu đạt loại 4. Bố trí điểm dừng, đỗ tại trung tâm xã dọc theo các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải hành khách công cộng.

- Đảm bảo an toàn giao thông tại các bến khách, bến khách ngang sông.

d) Về phương tiện

- Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với phương tiện nông cụ, phương tiện chở khách ngang sông về điều kiện an toàn của phương tiện, người điều khiển phương tiện.

- Loại bỏ 100% xe ô tô và phương tiện đường thủy nội địa quá niên hạn sử dụng.

- 100% phương tiện đường thủy nội địa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật.

- Kiểm soát, loại bỏ các phương tiện tự chế không được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật.

đ) Về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe

[...]