Quyết định 2447/QĐ-BGTVT năm 2020 về Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải

Số hiệu 2447/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 28/12/2020
Ngày có hiệu lực 28/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2447/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2021 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Công văn số 6459/BNV-CCHC ngày 07/12/2020 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch và báo cáo cải cách hành chính định kỳ năm 2021;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của Bộ được bố trí từ nguồn kinh phí thường xuyên của Bộ và các nguồn lực tài chính hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục trưởng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Công đoàn GTVT Việt Nam;
- Công đoàn cơ quan Bộ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, TCCB (S).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thể

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2021 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2447/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ và cụ thể hóa các nhiệm vụ cần thực hiện của Bộ GTVT.

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung: tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ trở lên; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước cho từng giai đoạn theo quy định; bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC nhà nước trong lĩnh vực GTVT nhằm xây dựng Bộ GTVT chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững; bảo đảm sự quản lý điều hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo bước chuyển biến mới trong ngành GTVT.

b) Mục tiêu cụ thể đối với từng nhiệm vụ

(1) Đối với công tác chỉ đạo điều hành: chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC để bảo đảm sự hài hòa, tính tổng thể các mục tiêu CCHC, tạo sự chuyển biến tích cực trong ngành GTVT.

(2) Cải cách thể chế: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực GTVT nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển GTVT, cơ bản tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế.

(3) Cải cách thủ tục hành chính (TTHC): cải cách mạnh mẽ quy định TTHC liên quan đến người dân, tổ chức, TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước nhằm tạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng hệ thống TTHC trong lĩnh vực GTVT hiệu quả, công khai, minh bạch, bình đẳng tạo thuận lợi; cắt giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC, đồng thời giảm chi phí cho cơ quan giải quyết TTHC; đơn giản hóa TTHC, từng bước xoá bỏ các TTHC không cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC.

(4) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: tiếp tục tổ chức sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ bảo đảm tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển chung của đất nước; tăng cường phân cấp, phân quyền; đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động công tác quản lý nhà nước.

(5) Cải cách chế độ công vụ: hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ theo thẩm quyền; sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm, khung năng lực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ; đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ GTVT có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vng vàng, có trình độ và năng lực ngang tầm nhiệm vụ trở lên, nhằm thực thi công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành GTVT trong giai đoạn mới.

(6) Cải cách tài chính công: sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực tài chính, tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách tạo sự chủ động và tăng cường trách nhiệm của các đơn vị, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí; hoàn thiện các quy định về quản lý tài chính, tài sản theo thẩm quyền; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa; hoàn thiện cơ chế tài chính, nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

(7) Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: đầu tư hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT, hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT.

[...]