Quyết định 2375/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ và biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2011 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2375/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/12/2010
Ngày có hiệu lực 28/12/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2375/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐỐI NGOẠI, NGOẠI NGỮ VÀ BIÊN PHIÊN DỊCH CHO CÔNG CHỨC NGOẠI VỤ ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ và biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2011 – 2015 với các nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Chuẩn hóa việc trang bị, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ cho đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương trong cả nước;

- Xây dựng đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương chuyên nghiệp; trang bị những kiến thức, kỹ năng đối ngoại và ngoại ngữ cho các công chức lãnh đạo cơ quan ngoại vụ địa phương theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNG ngày 22 tháng 5 năm 2009 của Bộ Ngoại giao quy định về tiêu chuẩn Giám đốc Sở Ngoại vụ (sau đây gọi là Thông tư số 01/2009/TT-BNG).

2. Mục tiêu cụ thể:

Hàng năm tiến hành trang bị, cập nhật kiến thức đối ngoại cho công chức các cơ quan ngoại vụ địa phương. Đến hết năm 2015 đạt được kết quả như sau:

- 50% Giám đốc Sở Ngoại vụ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNG;

- 80% công chức được trang bị kiến thức, nghiệp vụ đối thoại (lãnh sự, lễ tân, thông tin báo chí, đàm phán, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, công tác biên giới lãnh thổ, văn hóa đối thoại, kinh tế đối ngoại);

- 50% công chức có kỹ năng tiếng Anh thực hành thành thạo;

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 01 đến 02 công chức ngoại vụ được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng biên phiên dịch tiếng Anh. Các tỉnh có biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia có ít nhất 01 công chức ngoại vụ có kỹ năng biên phiên dịch tiếng địa phương của nước chung biên giới.

II. ĐỐI TƯỢNG

1. Đối tượng chính:

- Công chức lãnh đạo và công chức các cơ quan ngoại vụ trong quy hoạch lãnh đạo, quản lý;

- Công chức các cơ quan ngoại vụ địa phương.

2. Đối tượng khác:

Công chức làm công tác hợp tác quốc tế thuộc một số Sở, Ban, ngành khác ở địa phương

III. NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG

- Nội dung bồi dưỡng bao gồm các lĩnh vực: kiến thức và nghiệp vụ đối ngoại; kiến thức về ngoại vụ địa phương; ngoại ngữ tiếng Anh thực hành; biên phiên dịch tiếng Anh, Trung, Lào, Khmer, một số ngoại ngữ khác theo yêu cầu cụ thể của các địa phương.

- Chương trình bồi dưỡng tập trung vào các lớp ngắn hạn cho từng đối tượng công chức: công chức lãnh đạo cơ quan ngoại vụ, công chức ngoại vụ tổng hợp, công chức ngoại vụ chuyên trách các lĩnh vực nghiệp vụ.

IV. GIẢI PHÁP

- Triển khai các khóa bồi dưỡng theo khu vực: các tỉnh, thành phố phía Bắc đến Đà Nẵng do Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại thuộc Học viện Ngoại giao Hà Nội phụ trách; các tỉnh, thành phố phía Nam đến Quảng Nam do Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng kiến thức đối ngoại, ngoại ngữ thuộc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh phụ trách;

- Xây dựng và áp dụng tiêu chí để đánh giá chất lượng công tác bồi dưỡng công chức ngoại vụ;

[...]