Quyết định 230/2007/QĐ-UBND phê duyệt đề án xã hội hóa các hoạt động y tế đến năm 2010 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 230/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/01/2007
Ngày có hiệu lực 29/01/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Hồng Quân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 230/2007/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 19 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG Y TẾ ĐẾN NĂM 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ “về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao"; Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐND ngày 14/07/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 2824/2006/QĐ-UBND ngày 21/9/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành một số cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá- xã hội trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Thông báo số 278-TB/TU ngày 01/11/2006 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh thông báo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Đề án xã hội hoá các hoạt động y tế đến năm 2010;

Theo đề nghị của Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xã hội hoá các hoạt động y tế đến năm 2010, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU:

1/ Mục tiêu chung:

Xã hội hoá các hoạt động y tế đến năm 2010 nhằm đa dạng hoá các loại hình phục vụ sức khoẻ nhân dân ở các đối tượng để từng bước nâng cao chất lượng đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trình độ phong cách phục vụ, y đức của đội ngũ cán bộ y tế.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền, của các ban, ngành, đoàn thể về xã hội hoá để tăng cường chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; vận động mọi người dân tham gia chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, không ngừng phát triển hệ thống y tế (công lập và tư nhân); nhằm tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng đầy đủ những dịch vụ y tế với chất lượng ngày càng tốt hơn.

2/ Một số chỉ tiêu cơ bản đến năm 2010

- Phấn đấu hệ thống y tế ngoài công lập (các mô hình xã hội hoá) tham gia thực hiện khám chữa bệnh đạt tỷ lệ tối thiểu là 20% tổng số lượt khám bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

- Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và các hình thức chi trả trước đạt tối thiểu 80% dân số.

- 100% đơn vị y tế công lập triển khai hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ và thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN:

1. Vận động toàn xã hội chủ động và tích cực tham gia công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân:

- Các cấp uỷ đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng cần quán triệt và nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của "Ban bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân" ở cơ sở, tăng cường phối hợp liên ngành trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ (TT-GDSK): Kiện toàn mạng lưới TT-GDSK, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh công tác TT-GDSK và đa dạng hoá các loại hình truyền thông để nâng cao dân trí về y tế nhằm giúp cho người dân hiểu, tự giác và tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, tạo ra phong trào "toàn dân vì sức khoẻ".

- Khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài đầu tư vào các hoạt động từ thiện: cung cấp, hỗ trợ các thiết bị y tế và hỗ trợ khám, chữa bệnh. Hình thành và phát triển các loại quỹ hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn khi mắc phải các bệnh hiểm nghèo và điều trị tốn kém.

2. Khuyến khích phát triển hệ thống y tế ngoài công lập:

2.1. Đa dạng hoá các loại hình hoạt động các hình thức tổ chức cơ sở y tế ngoài công lập:

+ Về Y: điểm dịch vụ y tế, phòng khám chuyên khoa, phòng khám đa khoa, phòng tư vấn sức khoẻ, bệnh viện, phát triển màng lưới chăm sóc sức khoẻ tại hộ gia đình, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh dịch... Ưu tiên đầu tư xây dựng loại hình Phòng khám đa khoa, bệnh viện, màng lưới chăm sóc sức khoẻ tại hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị y tế cho nhà nước thuê lại.

+ Về Dược: công ty cổ phần, công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, công ty trách nhiệm hữu hạn (sản xuất và kinh doanh dược phẩm), nhà thuốc tư nhân, đại lý bán thuốc cho doanh nghiệp. Ưu tiên loại hình đầu tư cơ sở sản xuất thuốc, đặc biệt thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng cao bằng nguồn dược liệu tại địa phương.

[...]