Quyết định 15/2007/QĐ-UBND về đề án đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010

Số hiệu 15/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/02/2007
Ngày có hiệu lực 24/02/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Văn Minh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2007/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 14 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;

Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-BYT ngày 21 tháng 6 năm 2005 của Bộ Y tế về việc “Phê duyệt Đề án phát triển xã hội hoá bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân”;

Căn cứ Kế hoạch số 4830/KH-BYT ngày 21/6/2005 của Bộ Y tế về thực hiện xã hội hoá bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân;

Căn cứ Nghị quyết số 47/2006/NQ-HĐND ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố về xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 và các chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010.

Điều 2. Sở Y tế là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố về việc thực hiện Đề án nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

ĐỀ ÁN

ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2010
(Đính kèm Quyết định số 15/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần I

THỰC TRẠNG XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG Y TẾ Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:

- Tại thành phố Đà Nẵng, trong nhiều năm qua, nhất là sau khi chia tách trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chủ trương xã hội hóa hoạt động y tế theo Nghị quyết số 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ đã được triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền các ngành, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, huy động được sự đóng góp của cộng đồng vào công tác y tế. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước có bệnh viện tư nhân. Người dân thành phố đã ý thức hơn trong việc tự chăm lo, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đồng thời, cũng tham gia tích cực các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng.

- Hệ thống các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục phát triển và ngày càng đa dạng. Số bệnh viện tư nhân tăng từ 02 bệnh viện năm 1997 lên 04 bệnh viện năm 2005 với tổng quy mô là 225 giường, chiếm 7,7% tổng số giường bệnh toàn thành phố. Mô hình Phòng khám y tế tư nhân tăng từ 400 phòng vào năm 1997 lên trên 700 phòng vào năm 2005. Các cơ sở dược tư nhân phát triển nhanh, với 155 cơ sở hành nghề dược tư nhân hiện nay. Hình thức liên doanh đầu tư thiết bị y tế giữa các bệnh viện công lập với tư nhân phục vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao đạt nhiều kết quả; tổng số tiền thu được qua thực hiện dịch vụ y tế bằng nguồn liên doanh, liên kết này tăng từ 3,5 tỷ năm 2003 lên đến 8,5 tỷ vào năm 2006. Bên cạnh đó, hoạt động của một số phòng khám, chữa bệnh miễn phí, từ thiện đã đem lại hiệu quả tích cực. Các nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ cho ngành y tế là nguồn lực quan trọng trong công tác xã hội hóa hoạt động y tế, bình quân trong 5 năm gần đây, mỗi năm tiếp nhận các khoản viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổng giá trị từ 45 tỷ đến 75 tỷ đồng.

- Hoạt động khám chữa bệnh BHYT tiếp tục được thực hiện có hiệu quả tại các bệnh viện thành phố và Trung tâm Y tế quận, huyện. Số người sử dụng thẻ BHYT tăng dần qua các năm, từ mức 20% đến 25% ở những năm 1997 - 1998 đến năm 2002 có 32%, năm 2005 - 45,90% và hiện nay là 58% dân số thành phố tham gia BHYT. Việc triển khai khám chữa bệnh BHYT cho người nghèo được triển khai từ năm 2003, người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách thuận lợi. BHXH thành phố đã mở rộng KCB BHYT đến các bệnh viện tư nhân, góp phần thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh cho nhân dân.

II. MỘT SỐ TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN:

[...]