Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2255/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch bảo vệ môi trường và phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030

Số hiệu 2255/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/09/2023
Ngày có hiệu lực 20/09/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2255/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 20 tháng 9 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 125/QĐ-BNN-TCTS ngày 04 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 460/QĐ-BNN-TCTS ngày 07 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện “Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3324/TTr-SNN ngày 20 tháng 7 năm 2023 và Văn bản số 3989/SNN-TS ngày 30 tháng 8 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường và phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; hình thành các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người lao động.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 81.580 tấn/năm, giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 3.000 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản bình quân đạt 5%/năm;

b) Đến năm 2030, 40% giá trị sản phẩm được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, theo hướng hữu cơ, theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương;

c) Nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá; hướng tới thay thế dần việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học;

d) Chủ động quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trọng điểm, các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), các đối tượng có giá trị kinh tế (cá rô phi, tôm càng xanh,...), nuôi thủy sản lồng bè;

đ) Triển khai hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Xây dựng ít nhất 01 kế hoạch hành động để bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên; xây dựng kế hoạch phát động phong trào Ngày hành động vì môi trường thủy sản;

e) 100% cán bộ công chức, viên chức quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quan trắc, cảnh báo môi trường; 50% các cơ sở nuôi được hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền các biện pháp kiểm soát các yếu tố môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản;

g) Xây dựng, nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh theo chuỗi giá trị thủy sản, gắn với phát triển du lịch;

h) Đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng tối thiểu 07 vùng sản xuất tập trung tại các huyện: Tân Phú, Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc;

i) Tỷ lệ sử dụng giống thủy sản nuôi chủ lực được kiểm soát chất lượng đạt trên 50%. Chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi, không để mầm bệnh lây lan rộng.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

[...]