Kế hoạch 191/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 191/KH-UBND
Ngày ban hành 29/11/2021
Ngày có hiệu lực 29/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 191/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 29 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 1960/QĐ-BNN-TCTS ngày 6 tháng 5 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ- TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh phù hợp thực tiễn địa phương, phát huy hiệu quả, thúc đẩy ngành thủy sản tỉnh phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương.

- Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện đối với từng lĩnh vực của ngành thủy sản đến năm 2025, kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện với lộ trình cụ thể, từng bước nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước lĩnh vực thủy sản.

2. Yêu cầu

Tổ chức thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc, đồng bộ, đồng thời với việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, sơ, tổng kết đánh giá, kịp thời điều chỉnh những nội dung không phù hợp, tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung đến năm 2030

Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030

a) Giai đoạn 2021 - 2025

- Giá trị sản xuất thủy sản (Giá so sánh 2010) ước đạt 2.650 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6%/năm.

- Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 86.800 tấn, trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản đạt 7.500 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 79.300 tấn.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 15.900 ha (nuôi nước ngọt: 11.600 ha; nuôi mặn, lợ: 4.300 ha). Trong đó, diện tích nuôi công nghiệp (thâm canh và siêu thâm canh) từ 350 - 400 ha.

- Phát triển sản xuất giống thủy sản (xây dựng vùng sản xuất giống nhuyễn thể công nghệ cao, nâng cao chất lượng giống cho các cơ sở tư nhân), dần đưa Ninh Bình thành trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể (Ngao, Hàu) công nghệ cao phục vụ cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt một trong các chứng nhận GAP, hữu cơ và các chứng nhận chất lượng khác đạt trên 10%. Trong đó: các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá trắm, cá chép đạt chứng nhận từ 10 - 20%.

b) Giai đoạn 2026 - 2030

- Giá trị sản xuất thủy sản (Giá so sánh 2010) ước đạt 3.450 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5%/năm.

- Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 111.500 tấn, trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản đạt 7.500 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 104.000 tấn.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 16.500 ha (nuôi nước ngọt: 12.000 ha; nuôi mặn, lợ: 4.500 ha). Trong đó, diện tích nuôi công nghiệp (thâm canh và siêu thâm canh) đạt khoảng 700 - 800 ha.

- Tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất công nghệ cao: NTTS, sản xuất giống, mở rộng vùng nuôi công nghiệp (thâm canh, siêu thâm canh) để tăng năng suất.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt một trong các chứng nhận GAP, hữu cơ và các chứng nhận chất lượng khác đạt trên 20%. Trong đó: các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá trắm, cá chép đạt chứng nhận từ 30 - 40%.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

- Đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, phát triển thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường, an toàn dịch bệnh, bảo đảm an ninh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

- Tiếp tục chủ động phòng bệnh, giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi, không để mầm bệnh lây lan diện rộng. Ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm, nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.

[...]