Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2250/QĐ-NHNN năm 2020 về Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Số hiệu 2250/QĐ-NHNN
Ngày ban hành 28/12/2020
Ngày có hiệu lực 28/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Đào Minh Tú
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Bộ máy hành chính

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2250/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2021 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 06 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ về việc xây dựng kế hoạch cải cách hành chính năm 2021;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- PTTg Trương Hòa Bình (để b/c);
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Bộ Nội vụ (Vụ CCHC);
- Lưu: VP, VP4.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đào Minh Tú

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2021 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2250/QĐ-NHNN ngày 28/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Tiếp tục tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực CCHC nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương thị trường tiền tệ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Trọng tâm cải cách hành chính năm 2021 vào ba trụ cột chính, gồm: Cải cách hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của NHNN.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Cải cách, hoàn thiện thể chế

1.1. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đảm bảo tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tổng kết Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền. Tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trọng tâm là xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

1.2. Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19.

1.3. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định văn bản nhằm đảm bảo tính hợp pháp, đồng bộ, cụ thể và khả thi của văn bản.

1.4. Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước.

1.5 Tiếp tục phối hợp rà soát, tham gia ý kiến đối với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đang trong quá trình đàm phán.

2. Cải cách thủ tục hành chính

2.1. Tổ chức triển khai quyết liệt, đạt hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng, nâng cao độ phủ thông tin tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

[...]