Quyết định 22/2008/QĐ-BNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 22/2008/QĐ-BNN
Ngày ban hành 28/01/2008
Ngày có hiệu lực 23/02/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------

Số: 22/2008/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC KIỂM LÂM

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Điều 19 Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Kiểm lâm là cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước chuyên ngành và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm việc thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Cục Kiểm lâm có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, có kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trụ sở của Cục đặt tại thành phố Hà Nội và bộ phận thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ dự thảo dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý hoạt động gây nuôi, trồng cấy nhân tạo động vật rừng, thực vật rừng theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ và các dự án, đề án theo sự phân công của Bộ trưởng. Trình Bộ trưởng dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng.

2. Trình Bộ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm và hàng năm; các chiến lược, quy hoạch vùng trọng điểm, liên vùng, liên tỉnh và các chương trình, đề án, dự án, công trình quan trọng thuộc chuyên ngành, lĩnh vực quản lý của Cục theo sự phân công của Bộ trưởng.

3. Ban hành các văn bản cá biệt và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Thông báo kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình, đề án, dự án do Bộ quản lý cho từng địa phương, đơn vị sau khi được Bộ phê duyệt kế hoạch tổng thể về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

4. Trình Bộ công bố chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế-kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt; chỉ đạo và tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục.

5. Về quản lý rừng:

a) Chủ trì trình Bộ quy định nội dung, biểu mẫu và phương pháp thống kê rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng và chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện;

b) Tổng hợp, trình Bộ công bố kết quả thống kê rừng hàng năm, kiểm kê rừng năm năm, theo dõi diễn biến rừng trong toàn quốc;

c) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng, sản xuất nương rẫy; chỉ đạo lập và quản lý hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng;

d) Chủ trì xây dựng, trình Bộ chế độ quản lý bảo vệ và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện sau khi được ban hành;

đ) Tham gia thẩm định quy hoạch các loại rừng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

e) Quản lý hệ thống rừng đặc dụng; chỉ đạo việc bảo vệ các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ.

6. Về bảo vệ rừng:

a) Tổ chức, chỉ đạo việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo đảm chấp hành pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản trong phạm vi cả nước;

b) Tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm lửa rừng; xây dựng trình Bộ tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành; tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp chống chặt, phá rừng trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản ý lâm sản;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn về bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái, giáo dục môi trường gắn với phát triển cộng đồng đối với hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ; chỉ đạo quản lý hệ thống rừng ngập mặn ven biển và đất ngập nước nội địa được xác lập là khu bảo tồn;

đ) Ban hành quy định khu vực, loài động vật rừng được phép săn, bắt; công cụ và phương tiện cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng trong săn, bắt động vật rừng; chủng loại, kích cỡ thực vật rừng, động vật rừng và mùa được phép khai thác, săn, bắt; khu vực cấm khai thác rừng theo uỷ quyền của Bộ trưởng. Hướng dẫn trình tự, thủ tục săn, bắt, bẫy, nuôi nhốt động vật rừng quý, hiếm;

e) Trình Bộ công bố Danh mục, cấp phép xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất mẫu vật thực vật rừng, động vật nguy cấp, quý, hiếm và nuôi trồng động vật, thực vật rừng hoang dã; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện;

[...]