Quyết định 2102/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

Số hiệu 2102/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/09/2008
Ngày có hiệu lực 16/09/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Ngọc Thiện
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2102/QĐ-UBND

Huế, ngày 16 tháng 9 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định 149/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Quyết định số 2989/2006/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 12 năm 2006 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân công phân cấp và ủy quyền giải quyết một số vấn đề trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trên địa bàn tinh; Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1381/TTr-SKHĐT ngày 10 tháng 9 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển VLXD phải đảm bảo tính bền vững, góp phần phát triển kinh tế tạo sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường; phù hợp với quy hoạch khác có liên quan;

- Phát triển VLXD trên cơ sở khai thác có hiệu quả thế mạnh của tỉnh về tài nguyên khoáng sản, lao động, ...; đồng thời không ngừng đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất kinh doanh; Phát triển VLXD trên cơ sở lựa chọn quy mô công suất hợp lý, công nghệ tiên tiến, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu; sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp;

- Ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu trong nước và có lợi thế xuất khẩu; sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

- Đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực vào phát triển sản xuất VLXD. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất và kinh doanh VLXD.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung:

- Khai thác tiềm năng của tỉnh về tài nguyên khoáng sản, lao động,... để phát triển VLXD thành ngành công nghiệp ưu tiên; từ năm 2010 đáp ứng về số lượng, chất lượng và các chủng loại VLXD cơ bản trong tỉnh, tiến đến phục vụ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài;

- Hình thành cơ sở sản xuất VLXD có công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên;

- Ưu tiên phát triển sản xuất xi măng với công suất hợp lý, có công nghệ tiên tiến; chú trọng phát triển các chủng loại VLXD mà thị trường có nhu cầu, các chủng loại VLXD mới, chất lượng cao;

- Nâng cao năng lực quản lý, vận hành, xây dựng đội ngũ cán bộ làm chủ công nghệ sản xuất trong ngành VLXD.

b) Một số mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2010: giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD tăng gấp 3 lần so với hiện nay, chiếm tỷ trọng khoảng 32%-34% giá trị sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn; thu hút từ 2.500-3.000 lao động mới làm việc trong ngành VLXD; một số sản phẩm chủ yếu (có phụ lục kèm theo).

3. Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất VLXD tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

a) Định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất VLXD tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010:

- Xi măng: ưu tiên phát triển sản xuất xi măng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư mới, đầu tư mở rộng các nhà máy xi măng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiến tới ngừng sản xuất xi măng lò đứng phù hợp với lộ trình của Chính phủ; phấn đấu đến năm 2010 sản lượng xi măng toàn tỉnh đạt từ 4,5-5 triệu tấn. Một số định hướng cụ thể:

+ Đưa dây chuyền 04 Công ty hữu hạn Luks xi măng Việt Nam vào sản xuất ổn định; triển khai xây dựng dây chuyền 5 với công suất 4.000 tấn clinker/ngày, nâng năng lực sản xuất toàn nhà máy lên 4,2 triệu tấn/năm;

+ Phấn đấu hoàn thành việc xây dựng nhà máy xi măng Đồng Lâm công suất 1,4 triệu tấn/năm, nhà máy xi măng Long Thọ II công suất 0,35 triệu tấn/năm;

+ Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Nam Đông công suất 1,4 triệu tấn/năm;

[...]