Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1941/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2009 - 2011 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 1941/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/12/2009
Ngày có hiệu lực 10/12/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Đỗ Thế Nhữ
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1941/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 10 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG GIAI ĐOẠN 2009 - 2011

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/02/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 2740/QĐ-BNN-KL ngày 20/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007 - 2010;
Căn cứ Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn trình tự thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;
Trên cơ sở Biên bản họp tham vấn của các cấp, các ngành và đơn vị liên quan ngày 01/12/2009;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 114/TTr-SNN, ngày 04 tháng 12 năm 2009
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2009 - 2011 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Giao các Sở, ngành và địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tại phần 1, Mục IV của Đề án để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo Đề án giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh thực sự có chất lượng, hiệu quả.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thế Nhữ

 

ĐỀ ÁN

GIAO RỪNG VÀ CHO THUÊ RỪNG GIAI ĐOẠN 2009 – 2011
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1941/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông)

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để thúc đẩy tiến trình quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng bền vững, kết hợp giữa bảo vệ rừng với phát triển kinh tế, xã hội; an ninh, quốc phòng và xóa đói, giảm nghèo.

Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, buôn, bon để quản lý, bảo vệ và sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích phát triển lâm nghiệp là một chủ trương, chính sách lớn có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước. Đây là bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, người dân bảo vệ được rừng, yên tâm quản lý và đầu tư phát triển rừng trên diện tích rừng, đất rừng được giao, được thuê. Tuy nhiên, hiệu quả của việc tổ chức thực hiện công tác này trong thời gian qua còn nhiều hạn chế như giao rừng, cho thuê rừng nhưng chưa có chính sách quy định cụ thể và phù hợp về quyền hưởng lợi trên diện tích rừng được giao, được thuê; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chậm và chưa gắn với việc giao rừng, còn lúng túng trong triển khai thực hiện; việc quản lý hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng còn chưa được chặt chẽ; nhiều diện tích rừng giàu, trung bình chưa được khai thác và sử dụng hợp lý, trong khi đó áp lực dân số ngày càng gia tăng, đời sống của phần lớn người dân sống ở trong rừng và gần rừng còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng rừng bị phá, bị khai thác trái phép, đất rừng bị xâm lấn, tranh chấp và sử dụng không theo quy hoạch, kế hoạch.

Từ thực trạng nêu trên, để phát huy thế mạnh của rừng, tiềm năng lao động ở địa phương nhằm bảo vệ và phát triển được vốn rừng, đồng thời góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh rừng thì việc đẩy mạnh công tác giao, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp tới các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, buôn, bon để quản lý, bảo vệ và sử dụng ổn định, lâu dài là việc làm rất cần thiết để đến năm 2011, về cơ bản tất cả diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế, ưu tiên cho khu vực cộng đồng dân cư, cá nhân và hộ gia đình như định hướng trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg, ngày 05/02/2007.

Phần I

CƠ SỞ LẬP ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ.

- Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

- Luật Đất đai (sửa đổi bổ sung năm 2003);

- Nghị định số 23/NĐ-CP ngày 03/3/2006 về hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

- Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

- Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh;

- Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

- Quyết đinh số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020;

- Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;

[...]