Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 193/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 193/QĐ-TTg
Ngày ban hành 30/01/2011
Ngày có hiệu lực 30/01/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 193/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ DỰ ÁN THỦY ĐIỆN LAI CHÂU

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 40/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về Chủ trương đầu tư xây dựng Dự án thủy điện Lai Châu;
Căn cứ Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 345/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 19 tháng 01 năm 2011),

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu theo các nội dung chính như sau:                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  

1. Mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu

a) Mục tiêu: di dân, tái định cư dự án thủy điện Lai Châu phải tạo được các điều kiện để đồng bào tái định cư sớm ổn định chỗ ở và đời sống, trên cơ sở khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Nhiệm vụ: tổ chức thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư cho các hộ gia đình và cá nhân thuộc đối tượng di dân, tái định cư; bồi thường di chuyển và xây dựng lại kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc - văn hóa xã hội của các tổ chức, đơn vị trong mặt bằng công trình và vùng ngập của hồ chứa dự án thủy điện Lai Châu.

c) Yêu cầu:

- Công tác di dân tái định cư phải được các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng phối hợp chặt chẽ để tổ chức và thực hiện theo phương châm: Trung ương quy định và hướng dẫn cơ chế, chính sách chung; địa phương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện.

- Tái định cư trong huyện Mường Tè là chính, thực hiện các hình thức tái định cư khác nhau: tập trung nông thôn, đô thị, xen ghép và tự nguyện di chuyển, phù hợp với các điều kiện sản xuất, phong tục, tập quán và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ở nơi đi cũng như nơi đến. Di dân, tái định cư cần coi trọng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, sự đoàn kết giữa dân tái định cư và dân sở tại.

- Ưu tiên nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư khác trên địa bàn (giao thông, thủy lợi, điện …) với dự án di dân, tái định cư để xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng tại các vùng tái định cư.

2. Phương án quy hoạch di dân, tái định cư

a) Về thiệt hại và số dân bị ảnh hưởng phải di chuyển

- Diện tích đất bị thu hồi để làm hồ chứa và mặt bằng công trình là 4.962,6 ha (đất mặt bằng xây dựng công trình 949,6 ha và đất vùng lòng hồ bị ngập 3.963 ha).

- Tổng giá trị thiệt hại vật chất thuộc vùng lòng hồ và mặt bằng công trình thủy điện Lai Châu 368,4 tỷ đồng.

- Tổng số dân bị ảnh hưởng trực tiếp nằm trong mặt bằng xây dựng công trình và vùng ngập lòng hồ phải di chuyển 1.331 hộ với 5.867 khẩu, số dân bị ảnh hưởng gián tiếp 617 hộ với 3.873 khẩu (số liệu điều tra tháng 12 năm 2008).

Dự báo tổng số dân di chuyển đến khi hoàn thành công tác di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu (kể cả số dân sở tại phải di chuyển, số dự phòng phát sinh) là 1.760 hộ với 7.805 khẩu (tính đến hết năm 2014).

b) Phương án bố trí tái định cư

- Quy hoạch di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu được bố trí chủ yếu trên địa bàn huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu, gồm: 8 khu, 35 điểm tái định cư, bảo đảm bố trí tái định cư 1.760 hộ.

- Phương án bố trí tái định cư: tái định cư tập trung nông thôn 28 điểm, khả năng bố trí 1.282 hộ; tái định cư đô thị 4 điểm, khả năng bố trí 473 hộ; tái định cư xen ghép 1 điểm, bố trí 15 hộ và tái định cư tự nguyện di chuyển 307 hộ. Trong đó: tái định cư chính thức, gồm 7 khu, 33 điểm trên địa bàn 6 xã, 1 thị trấn (Nậm Hàng, Mường Mô, Can Hồ, Nậm Khao, Bum Tở, Mường Tè và thị trấn Mường Tè), khả năng bố trí 1.770 hộ; tái định cư dự phòng, gồm 2 điểm tại xã Nậm Manh, khả năng bố trí 200 hộ.

c) Phương án bố trí tái định cư cụ thể như sau:

- Tái định cư tập trung nông thôn:

+ Khu tái định cư Mường Mô, xã Mường Mô: gồm có 12 điểm tái định cư, bố trí 599 hộ, trước mắt bố trí 471 hộ. Bình quân mỗi hộ được giao 0,2 - 0,3 ha đất lúa, 0,7 - 0,8 ha đất nương rẫy, 2,5 - 3,0 ha đất trồng rừng và 5 - 6 ha đất khoanh nuôi tái sinh rừng. Phương hướng sản xuất chính là trồng cây lương thực lúa, ngô, sắn, cây ăn quả, cây công nghiệp, khoanh nuôi bảo vệ rừng; chăn nuôi gia súc gia cầm; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

+ Khu tái định cư Can Hồ, xã Can Hồ: gồm có 7 điểm tái định cư, bố trí 227 hộ, trước mắt bố trí 187 hộ. Bình quân mỗi hộ được giao 0,4 - 0,5 ha đất lúa, 1,4 - 1,5 ha đất nương rẫy, 3 - 5 ha đất trồng rừng và 7 - 8 ha đất khoanh nuôi tái sinh rừng. Phương hướng sản xuất chính là trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, trồng rừng kinh tế; chăn nuôi gia súc gia cầm; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

+ Khu tái định cư Nậm Khao, xã Nậm Khao: gồm có 4 điểm tái định cư, bố trí 166 hộ, trước mắt bố trí 123 hộ. Bình quân mỗi hộ được giao 0,15 - 0,2 ha đất lúa, 0,8 - 1,0 ha đất nương rẫy, 0,6 - 1 ha đất trồng rừng. Phương hướng sản xuất chính là trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, trồng rừng kinh tế; chăn nuôi gia súc gia cầm; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

+ Khu tái định cư Mường Tè, xã Mường Tè: gồm có 5 điểm tái định cư, bố trí 290 hộ, trước mắt bố trí 257 hộ. Bình quân mỗi hộ được giao 0,45 - 0,5 ha đất lúa, 0,2 - 0,3 ha đất nương rẫy, 1 - 2 ha đất khoanh nuôi tái sinh rừng. Phương hướng sản xuất chính là trồng cây lương thực, cây ăn quả, bảo vệ rừng đầu nguồn; chăn nuôi gia súc gia cầm.

[...]