Quyết định 1905/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Phương án thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, giá cả kết hợp đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 1905/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/10/2016
Ngày có hiệu lực 13/10/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
QUẢNG NGÃI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1905/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG, GIÁ CẢ KẾT HỢP ĐƯA HÀNG VIỆT VỀ NÔNG THÔN TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ĐINH DẬU - 2017 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 05/01/2016 của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1548/TTr-SCT ngày 03/10/2016 về việc phê duyệt Phương án thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, giá cả kết hợp đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, giá cả kết hợp đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Chương trình bình ổn thị trường, giá cả đối với một số mặt hàng thiết yếu, kết hợp đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu - năm 2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi tắt là Chương trình), nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, chăm lo đời sống của bà con nhân dân tại địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, góp phần bình ổn thị trường đảm bảo an sinh xã hội, nhằm thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị.

2. Yêu cầu

- Hàng hóa trong Chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả phù hợp, ổn định để tham gia dự trữ cân đối cung - cầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

- Bình ổn thị trường kết hợp với đưa hàng Việt về nông thôn để thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng có thói quen, ưu tiên sử dụng hàng Việt.

- Đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017.

- Mạng lưới phân phối, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu phải được phân bố đều và rộng khắp trên địa bàn tỉnh ưu tiên các huyện miền núi nhằm đảm bảo hàng hóa phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng góp phần bình ổn thị trường, giá cả, đảm bảo an sinh xã hội.

- Quản lý và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước tạm ứng cho doanh nghiệp đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xác định nhóm hàng, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cần bình ổn giá gồm 9 nhóm mặt hàng, cụ thể: Gạo - nếp, đường, gia vị (dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm, nước nắm, ...), thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau -củ - quả và bánh - kẹo.

2. Đối tượng doanh nghiệp được chọn tham gia Chương trình

a) Tiêu chí lựa chọn ưu tiên như sau:

- Là những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có uy tín, thực hiện tốt các quy định của pháp luật hiện hành, có kinh doanh mặt hàng bình ổn với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình.

- Có phương án tổ chức kinh doanh đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ bình ổn thị trường; đặc biệt là những giải pháp phát triển mạng lưới bán lẻ;

- Ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh thương mại có những mặt hàng cần bình ổn trên địa bàn tỉnh;

- Ưu tiên các doanh nghiệp đã thực hiện tốt Chương trình bình ổn thị trường trong những năm trước như: Tổ chức được nhiều điểm bán hàng bình ổn thị trường ở các huyện miền núi, hải đảo, có nhiều mặt hàng tham gia bình ổn thị trường; hoàn trả vốn ứng đúng thời gian quy định.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, không cần sự hỗ trợ vốn của Nhà nước.

b) Căn cứ các tiêu chí nêu trên, Sở Công Thương và Sở Tài chính thống nhất chọn 03 doanh nghiệp sau đây tham gia Chương trình:

- Công ty TNHH MTV Thương mại Sài Gòn - Quảng Ngãi (Siêu thị Co.opmart Sài Gòn - Quảng Ngãi);

[...]