UỶ BAN NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
19/2009/QĐ-UBND
|
Đà Nẵng, ngày
07 tháng 8 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG TOÀN
DÂN THAM GIA PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM TRÊN
ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg ngày
08/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết
09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 và chương trình Quốc gia phòng chống tội
phạm đến 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an thành phố
Đà Nẵng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án
Đổi mới công tác tuyên truyền vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm
và xây dựng mô hình phòng chống tội phạm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm
2015 với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
- Tiếp tục phát huy sức mạnh, quản lý, điều hành
của hệ thống chính trị, quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở để phòng chống tội
phạm, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở từng đơn vị, địa phương.
- Nâng cao nhận thức làm cho mọi công dân nhận
thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia đấu tranh phòng ngừa tội phạm và bảo vệ
Tổ quốc, trên cơ sở phát huy quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân
chủ nhân dân, xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo nên động lực mới trong phòng
chống tội phạm.
- Thông qua công tác tuyên truyền vận động và
xây dựng mô hình để tập hợp, hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân tham gia đấu tranh
phòng chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác góp phần
nâng cao tính pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm bảo vệ an ninh chính trị và trật tự
an toàn xã hội cho nhân dân.
- Phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu phát
triển chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng cao của thành phố.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Công tác tuyên truyền vận động toàn dân phòng,
chống tội phạm:
+ Đảm bảo 100% công dân tiếp cận với pháp luật về
phòng chống tội phạm nhằm nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm,
nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia phòng chống tội phạm; đồng thời trang bị những
kiến thức cần thiết để nhân dân có khả năng tự phòng, chống các loại tội phạm
và tự bảo vệ mình.
+ Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm để
nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; ngăn ngừa các hành vi
vi phạm pháp luật khác nhằm kiềm chế đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội,
không để người ngay sợ kẻ gian và tình trạng hoạt động lộng hành của các loại tội
phạm.
+ Nội dung và hình thức tổ chức tuyên truyền vận
động phòng chống tội phạm hướng đến từng nhóm đối tượng cụ thể; từ 90% trở lên
số người trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao vi phạm pháp luật phải được tuyên
truyền vận động phòng chống tội phạm để phòng ngừa phát sinh tội phạm.
- Công tác xây dựng mô hình chống tội phạm.
+ Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng,
chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng, củng cố duy trì các mô
hình phòng chống tội phạm ở cơ sở; huy động các cơ quan, đoàn thể chính trị
cùng tham gia.
+ Tiếp tục nhân rộng các mô hình phòng chống tội
phạm có hiệu quả đã được tổng kết trong 10 năm qua. Tăng cường xây dựng, củng cố
các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự đảm bảo 100% ở
các địa bàn phường, xã để làm tốt vai trò nòng cốt trong phòng ngừa và đấu
tranh chống tội phạm.
+ Xây dựng mô hình phòng chống tội phạm mới phù
hợp với từng địa bàn, khu vực, ngành nghề nhằm đáp ứng nhiệm vụ phòng chống tội
phạm, giữ gìn an ninh trật tự trong tình hình mới.
2. Giải pháp thực hiện
a) Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động toàn
dân tham gia phòng chống tội phạm:
- Nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, vận
động.
+ Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các
chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của thành phố về
phòng chống tội phạm đến các tầng lớp nhân dân; chú trọng đối tượng có nguy cơ
cao.
+ Giới thiệu, nhân điển hình các nhân tố tích cực,
các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm
cho mỗi người tự hào và nhận thức đầy đủ nhiệm vụ tham gia giữ gìn an ninh trật
tự là trách nhiệm của mỗi công dân.
+ Nội dung tuyên truyền, vận động phải mang tính
dự báo, cảnh báo, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng giai đoạn và tình
hình cụ thể làm rõ những điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật,
hành vi phạm tội và hậu qủa của vi phạm pháp luật làm cho mọi người tự giác chấp
hành pháp luật, đồng thời tự nêu cao tinh thần cảnh giác để phòng và chống các
loại tội phạm;
+ Nội dung tuyên truyền cần đề cập thông tin về
sự hoạt động manh động, xảo quyệt, tinh vi của các loại tội phạm mới xuất hiện
trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, để nhân dân không mơ hồ, mất cảnh giác.
+ Thông tin kịp thời kết quả điều tra, xét xử
các vụ án điển hình để từ đó biểu dương các lực lượng tham gia trấn áp tội phạm,
rút ra những bài học kinh nghiệm qua các vụ án.
+ Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể,
cá nhân có thành tích tham gia phòng chống tội phạm; các đơn vị, địa phương có
kế hoạch chăm lo đời sống cho những gia đình khó khăn, hỗ trợ giải quyết việc
làm cho người lao động.
+ Tuyên truyền phòng chống tội phạm, giáo dục
pháp luật gắn với các hoạt động tình nghĩa, từ thiện, giúp đỡ người có thành
tích phòng chống tội phạm gặp khó khăn.
+ Tuyên truyền công tác phòng chống tội phạm gắn
với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các cuộc vận
động thực hiện các chương trình mục tiêu khác của thành phố, tăng cường giáo dục
đạo đức, nhân cách lối sống cho thanh, thiếu niên, sinh viên, học sinh....
- Phân nhóm đối tượng và phân công cơ quan, tổ
chức tập trung tuyên truyền, vận động phòng chống tội phạm theo từng nhóm đối
tượng có trọng tâm, trọng điểm để có phương thức tuyên truyền, vận động phù hợp
có hiệu quả theo hướng:
+ Nhóm 1: Khối trường học.
. Học sinh cấp II,
. Học sinh cấp III;
. Sinh viên Đại học, Cao đẳng và học sinh Trung
học chuyên nghiệp, dạy nghề.
Phân công trách nhiệm: Hiệu trưởng các trường,
các cấp học có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng cùng cấp hằng năm
vào đầu niên học tổ chức tuyên truyền, vận động cho 100% học sinh, sinh viên về
công tác phòng, chống tội phạm kết hợp với giáo dục kỹ năng sống, đạo đức cho học
sinh, sinh viên phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng trường học. Tổ chức cho
học sinh, sinh viên đăng ký thi đua cam kết thực hiện mục tiêu xây dựng “Trường
học thân thiện, học sinh tích cực” không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
+ Nhóm 2: Khối cơ quan, doanh nghiệp.
. Công nhân khu công nghiệp;
. Công nhân, người lao động phổ thông ở các công
ty, xí nghiêp, công trình xây dựng;
. Công chức, viên chức;
. Hộ kinh doanh trong chợ, siêu thị, nhà hàng.
Phân công trách nhiệm: Thủ trưởng các cơ quan,
doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng các cấp tổ chức tuyên truyền, vận
động cho 100% công nhân, công chức, viên chức, người lao động về công tác phòng
chống tội phạm và có sự cam kết chấp hành; định kỳ, đột xuất phổ biến các quy định
mới của pháp luật về từng lĩnh vực hoạt động có liên quan đến ngành nghề kinh
doanh, sản xuất; hằng năm Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp dành thời gian ít nhất
1 lần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và có những kiến nghị, đề xuất phù hợp
về công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm.
+ Nhóm 3: Khu dân cư
. Hộ gia đình;
. Thanh thiếu niên ở khu dân cư;
. Người lao động tự do;
. Đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị xã hội;
. Các hộ kinh doanh kể cả ở các chợ thuộc UBND
phường, xã quản lý;
. Các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo.
Phân công trách nhiệm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân,
Chủ tịch Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự phường, xã phối hợp với các tổ chức
chính trị, xã hội tổ chức tuyên truyền vận động phòng chống tội phạm và phổ biến
pháp luật cho hộ nhân dân, hộ kinh doanh, thanh thiếu niên và hội viên của các
tổ chức chính trị- xã hội đạt 90% trở lên. Hằng năm tổ chức đăng ký thi đua cam
kết thực hiện tốt phong trào phòng chống tội phạm.
Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp với Ủy ban
mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức tuyên truyền, vận động phòng chống tội phạm
và phổ biến pháp luật cho 100% các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo trên
địa bàn phù hợp với hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
+ Nhóm 4: Người đã có tiền án, tiền sự vi phạm
pháp luật; người có nguy cơ cao vi phạm pháp luật.
. Những người đã chấp hành xong hình phạt tù;
. Những người bị xử lý vi phạm hành chính về
lĩnh vực an ninh trật tự hoặc đã chấp hành xong các biện pháp xử lý hành chính
theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đang cư
trú ở địa phương;
.Thanh niên không có việc làm ổn định; thanh,
thiếu niên bỏ nhà đi lang thang; học sinh, sinh viên bỏ học có nguy cơ vi phạm
pháp luật;
. Những người hoạt động trong các ngành, nghề
kinh doanh dịch vụ có nguy cơ, điều kiện vi phạm pháp luật.
Phân công trách nhiệm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân,
Chủ tịch Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự các phường, xã bằng nhiều hình thức,
biện pháp tổ chức tuyên truyền, vận động phòng chống tội phạm và phổ biến pháp
luật cho 100% số đối tượng nêu trên, tổ chức cho cam kết không vi phạm pháp luật
và tệ nạn xã hội.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo
cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan tổ chức
tuyên truyền vận động phòng chống tội phạm và phổ biến pháp luật cho những người
hoạt động ở các ngành, nghề kinh doanh dịch vụ có nguy cơ, điều kiện vi phạm
pháp luật, cho cam kết không vi phạm.
- Đổi mới đa dạng hình thức vận động, tuyên truyền.
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng.
Đối với phường, xã trong sinh hoạt tổ dân phố,
thôn phải lồng ghép để phổ biến quán triệt các chủ trương, đường lối, chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các âm mưu, phương thức, thủ đoạn
hoạt động của các loại tội phạm, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng ngừa,
cách thức phát hiện tố giác tội phạm. Tổ chức cho nhân dân tham gia đánh giá
tình hình an ninh trật tự và góp ý, bàn bạc các biện pháp, kế hoạch thực hiện
công tác bảo vệ an ninh trật tự.
Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã
hội đưa vào nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan để quy định thời gian sinh
hoạt; ít nhất 1 quý 1 lần phải kiểm điểm đánh giá và phổ biến các chủ trương,
chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác phòng chống tội phạm; giáo dục
nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên ý thức cảnh giác phòng chống tội
phạm tại cơ quan và nơi cư trú.
Tổ chức các hội, đoàn thể ở cơ sở đưa nội dung
hoạt động tuyên truyền phòng chống tội phạm vào các buổi sinh hoạt thường kỳ của
các chi, tổ hội...
Đối với các trường đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp, trung học phổ thông, trung học cơ sở... các cấp bằng nhiều hình
thức kết hợp với các hoạt động ngoại khoá, chào cờ, sinh hoạt giờ chủ nhiệm,
giáo dục công dân và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên để giáo dục ý
thức chấp hành pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống và thực hiện mục tiêu: “Trường
học thân thiện học sinh tích cực” không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
+ Tăng cường công tác truyên truyền, vận động
nhân dân phòng, chống tội phạm thông qua các hình thức cổ động trực quan, sân
khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật.
Thông qua các loại hình nghệ thuật, sân khấu ...
xây dựng các hình tượng nghệ thuật; các hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ
như: thơ, ca, hò, vè, hội diễn văn nghệ quần chúng và các hoạt động văn hóa
khác để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và lồng ghép nội dung tuyên
truyền phòng chống tội phạm.
Tổ chức các hình thức thi tìm hiểu pháp luật,
tránh nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân về phòng chống tội phạm bằng hình thức
thi viết, hái hoa dân chủ, hỏi đáp trong các buổi sinh hoạt của các cơ quan,
trường học, tổ chức chính trị xã hội nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cảnh
giác phòng chống tội phạm của nhân dân.
Hằng năm các đơn vị, địa phương tu bổ và làm mới
các panô, áp phích, băng rôn nơi công cộng, phát hành tờ rơi để tuyên truyền,
xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật và phát huy giá
trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc để thực hiện và tuyên truyền.
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trên
các phương tiện thông tin đại chúng.
Nâng cao chất lượng và thời lượng tuyên truyền
phòng chống tội phạm trên các báo, Đài phát thanh và Truyền hình; các cơ quan
chức năng chủ động phối hợp cung cấp thông tin kịp thời phát hiện nhân điển
hình gương người tốt việc tốt, dũng cảm trong tấn công tội phạm; đồng thời nêu
các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các loại tội phạm đang nổi lên
để cảnh báo cho nhân dân phòng ngừa.
Chú trọng hoạt động tuyên truyền phòng chống tội
phạm của Báo Công an, chuyên mục Truyền hình vì An ninh Tổ quốc trên sóng phát
thanh, truyền hình thành phố; thông tin kịp thời việc điều tra, xét xử các vụ
án điển hình để tuyên truyền giáo dục chung.
Củng cố, nâng cao chất lượng nội dung và mạng lưới
truyền thanh của xã, phường để phục vụ nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế- xã
hội gắn với phục vụ tuyên truyền phòng chống tội phạm.
Tổ chức tuyên truyền phòng chống tội phạm thông
qua việc tổ chức tốt các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”
vào ngày 19/8 hằng năm.
- Nâng cao chất lượng, kiện toàn đội ngũ báo cáo
viên, tuyên truyền viên;
+ Mỗi phường, xã thành lập 1 tổ tuyên truyền
viên do đồng chí phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã phụ trách; thành viên
bao gồm cán bộ trong các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, cán bộ nghỉ hưu hoặc
đang đương chức sinh sống ở cơ sở có uy tín, khả năng, trình độ tham gia làm
tuyên truyền viên để tuyên truyền phòng chống tội phạm.
+ Các cơ quan, đơn vị, ngành, đoàn thể, tổ chức
chính trị, xã hội (gọi tắt là cơ quan tổ chức) thuộc quận, huyện, thành phố: Lựa
chọn những người có uy tín, khả năng trong cơ quan tổ chức mình thành lập 1 tổ
báo cáo viên kiêm nhiệm do thủ trưởng cơ quan, tổ chức phân công phụ trách.
Số lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tùy
theo điều kiện của từng phường, xã, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội để bố trí
số lượng cho phù hợp.
+ Hằng năm các cơ quan, tổ chức có kế hoạch lựa
chọn, bồi dưỡng cán bộ có khả năng, trình độ tham gia làm báo cáo viên, tuyên
truyền viên và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn để cập nhật
thông tin mới và nâng cao kỹ năng tuyên truyền.
+ Nâng cao chất lượng và biên tập phát hành tập
tài liệu tuyên truyền hướng dẫn toàn dân tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn
xã hội, giúp báo cáo viên, tuyên truyền viên làm tài liệu tuyên truyền phổ biến
các âm mưu thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, hướng dẫn các biện pháp
phòng ngừa, nâng cao cảnh giác trong cán bộ nhân dân.
b) Xây dựng mô hình phòng chống tội phạm ở cơ sở
- Nâng cao hiệu qủa xây dựng mô hình phòng, chống
tội phạm
+ Tập trung đầu tư xây dựng những mô hình mới có
hiệu qủa phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa bàn để xây dựng thế trận an
ninh nhân dân vững chắc chủ động phòng chống tội phạm ở những địa bàn có tình
hình an ninh trật tự phức tạp; xây dựng tiêu chí cụ thể để kiểm tra, đánh giá
phân loại hiệu qủa hoạt động của từng mô hình phòng chống tội phạm.
+ Việc xây dựng mô hình phải tuân thủ các quy định
tại Quyết định 9817/QĐ- UBND ngày 27/12/1999 của Ủy ban nhân dân thành phố về
phê duyệt kế hoạch “Xây dựng củng cố các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an
ninh trật tự ở cơ sở”; trên cơ sở đó mô hình phòng chống tội phạm cần chú ý:
. Tên gọi: Phải ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với nếp
sống văn hóa, văn minh và thực tế tình hình ở cơ sở.
. Mục tiêu, nội dung: Thực hiện mục tiêu phòng
chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
. Nguyên tắc hoạt động:
Phải được Ủy ban nhân dân có thẩm quyền phê duyệt
và dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng.
Cơ quan Công an hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ.
Uỷ ban nhân dân cấp phê duyệt phải có trách nhiệm
báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp trên.
Khi mô hình không còn tác dụng hoặc không phù hợp
thì Ủy ban nhân dân cấp phê duyệt ra quyết định bãi bỏ.
- Phân loại và đánh giá nhân rộng mô hình.
+ Tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Quyết định
9817/QĐ-UBND ngày 27/12/1999 của Ủy ban nhân dân thành phố nhằm đánh giá lại kết
quả hoạt động, những tồn tại yếu kém rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục
chỉ đạo, củng cố các mô hình, tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật
tự có hiệu quả.
+ Hằng năm tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng
các mô hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương hiện có, những mô hình không
phát huy tác dụng thì kết thúc, những mô hình phát huy tác dụng thì cần tập
trung củng cố về nội dung, hình thức cho phù hợp với yêu cầu mới và nhân ra các
địa phương, đơn vị khác. Trước mắt trong năm 2009-2010, Ban chỉ đạo thực hiện
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố triển khai xây dựng thí điểm
“Tổ dân phố (thôn) không có tội phạm và tệ nạn xã hội; qúy III năm 2010 tổ chức
sơ kết rút kinh nghiệm.
+ Thông qua “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ
quốc” 19/8 hằng năm để tổ chức các hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm,
nhân điển hình các mô hình, điển hình tiên tiến tại các đơn vị, địa phương biểu
dương động viên khen thưởng kịp thời những mô hình, điển hình, những tập thể,
cá nhân có hành động dũng cảm đấu tranh phòng chống tội phạm.
3. Thời gian triển khai thực
hiện
- Từ nay đến 30/12/2009 tổ chức triển khai quán
triệt; làm thí điểm ở quận Hải Châu và Sở Giáo dục và Đào tạo để sơ kết rút
kinh nghiệm.
- Từ năm 2010 các cơ quan, đơn vị còn lại tổ chức
triển khai thực hiện, hằng năm tổ chức sơ kết, đánh giá kết qủa thực hiện báo
cáo về Ủy ban nhân dân thành phố.
- Năm 2015 tổng kết đánh giá kết qủa 5 năm thực
hiện Đề án và bổ sung điều chỉnh những giải pháp mới để tiếp tục thực hiện.
4. Kinh phí triển khai thực
hiện
Kinh phí triển khai thực hiện từ nguồn kinh phí
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm cấp cho các đơn vị hằng năm
và từ nguồn ngân sách của các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các quận, huyện,
xã phường.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Công an thành phố có trách nhiệm
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức
chính trị xã hội có liên quan xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai thực
hiện có hiệu qủa Đề án.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan sở, ban ngành
liên quan, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng vận động, tuyên truyền cho báo cáo viên.
- Chủ trì việc sơ tổng kết các mô hình, điển
hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Hải Châu, Sở
Giáo dục và Đào tạo triển khai làm điểm thực hiện Đề án.
- Chỉ đạo Công an các cấp tuỳ theo tình hình thực
tế ít nhất 1 quý 1 lần phải tập hợp tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội,
thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống
tội phạm làm tài liệu tuyên truyền cho các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, Hội
đồng an ninh trật tự xã, phường.
- Chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp
tình hình, kết qủa thực hiện Đề án báo cáo về UBND thành phố (qua Ban Chỉ đạo
138 thành phố); giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức sơ kết đánh giá kết qủa
thực hiện Đề án.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng và
các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp có trách nhiệm:
- Phối hợp Hội đồng giáo dục pháp luật, Công an
thành phố, Chính quyền địa phương và các đơn vị có chức năng liên quan xây dựng
nội dung chương trình, phương án kế hoạch tuyên truyền vận động phòng chống tội
phạm trong học sinh, sinh viên các cấp.
- Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với cơ quan chức
năng tổ chức triển khai xây dựng điểm thực hiện Đề án.
3. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ
trì phối hợp với liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Công an thành phố phát động
sáng tác thơ, ca hò vè, kịch bản về tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn
xã hội, biên tập tài liệu phát thanh tuyên truyền và biểu dương người tốt, việc
tốt trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
4. Sở Tư pháp có trách nhiệm
- Tăng cường thực hiện việc rà soát các văn bản
quy phạm pháp luật của về phòng chống tội phạm; phối hợp với Công an thành phố
trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của thành phố về phòng, chống
tội phạm.
- Chỉ đạo củng cố xây dựng “Tổ hòa giải” ở các tổ
dân phố, thôn đảm bảo về số lượng, chất lượng, kết hợp công tác hòa giải với
công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm.
5. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo
các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng và chất lượng công tác
thông tin, tuyên truyền phòng chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại
chúng và qua mạng Internet; kịp thời đưa tin bài để cổ vũ biểu dương người tốt,
việc tốt, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
6. Sở Nội vụ phối hợp Công an thành phố
nghiên cứu đề xuất khen thưởng các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm thích đáng, kịp thời để động viên mạnh mẽ
phong trào.
7. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối
hợp với Công an thành phố kịp thời thực hiện tốt các chế độ, chính sách, cho
công dân và các lực lượng tham gia giữ gìn an ninh trật tự bị hy sinh, bị
thương tật... trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm
tham mưu cho UBND thành phố lập kế hoạch bố trí kinh phí hàng năm từ ngân sách
thành phố và kinh phí chương trình mục tiêu phòng chống tội phạm để triển khai
thực hiện Đề án này.
9. Sở Tài chính cấp phát kịp thời và hướng
dẫn mục chi kinh phí, thủ tục thanh quyết toán và kiểm tra việc sử dụng kinh
phí theo đúng quy định của Nhà nước.
10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện,
Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm
- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án ở từng cơ
quan, tổ chức đơn vị mình có hiệu qủa và kịp thời báo cáo kết qủa về Ủy ban
nhân dân thành phố.
- Ủy ban nhân dân quận Hải Châu phối hợp Công an
thành phố tổ chức triển khai làm điểm thực hiện Đề án để rút kinh nghiệm.
11. Đề nghị Đài phát thanh và Truyền hình
thành phố, Báo Đà Nẵng:
Tăng cường thời lượng, trang tin để tuyên truyền
phòng chống tội phạm, cổ vũ biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến
trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố
và các tổ chức thành viên (Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu
chiến binh, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Thanh niên, Liên đoàn lao động…) phối hợp
các ban ngành liên quan có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả ở từng
tổ chức đoàn thể mình.
13. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án
nhân dân thành phố chỉ đạo và khẩn trương đưa ra truy tố xét xử nghiêm minh
đúng pháp luật các vụ án được xã hội quan tâm. Tăng cường tổ chức các phiên toà
xét xử lưu động để đề cao tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân
dân.
Điều 3. Giám đốc Công an
thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết
định này.
Điều 4. Quyết định này
có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận,
huyện, xã, phường; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Văn Minh
|