Quyết định 1843/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ về Quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 1843/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/12/2020
Ngày có hiệu lực 10/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1843/QĐ-UBND

Đắk Nông, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỀ QUỸ GEN CẤP TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BKNCN ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành quy định quản lý Nhà nước việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 48/TTr-SKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ về Quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 (có Đề án khung kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh (b/cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, CTTĐT, KTN, KTTH, KGVX(Vn).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tôn Thị Ngọc Hạnh

 

 

ĐỀ ÁN

KHUNG NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỀ QUỸ GEN CẤP TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 1843/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh Đắk Nông)

Tên đề án: BẢO TỒN NGUỒN GEN TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. Nhu cầu về nguồn gen và tính cấp thiết

Tỉnh Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Tây Nguyên, với diện tích 6.509,27 km2, kéo dài trong khoảng 11°45 - 12°50 vĩ độ Bắc và 107°12 - 108°07 kinh độ Đông, gồm thành phố Gia Nghĩa và 7 huyện (Cư Jút, Đắk Giong, Đắk Mil, Đắk R’Lấp, Đắk Song, Krông Nô và Tuy Đức). Đắk Nông có khoảng 141 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri của nước bạn Campuchia về phía Tây, phía Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Đắk Lắk, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước.

Đắk Nông nằm trọn trong khối cao nguyên cổ Đắk Nông - Đắk Mil, có độ cao so với mực nước biển trung bình khoảng từ 600m - 700m, có nơi đến 1.982m (đỉnh Tà Đùng). Theo hệ thống phân loại của FAO-UNESCO, trên địa bàn tỉnh có 11 nhóm đất: nhóm đất phù sa, nhóm đất đỏ, nhóm đất mới biến đổi, nhóm đất nâu vùng bán khô hạn, nhóm đất xám, nhóm đất nâu thẫm, nhóm đất đỏ, nhóm đất nứt nẻ, nhóm đất có tầng sét chặt cơ giới phân dị, nhóm đất đen và nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá. Trong đó, nhóm đất đỏ và nhóm đất xám chiếm diện tích lớn nhất, đạt lần lượt 392.496,62 ha (60,25%) và 185.637,52 ha (28,5%).

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 30/11/2020, dân số bình quân ước đạt 637.907 người. Cộng đồng dân cư đa dạng, gồm 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh, M’Nông, Tày, Thái, Ê đê, Nùng,... Người Kinh chiếm đại đa số dân ở đây với tỷ lệ 69%, phân bố hầu hết cả tỉnh, tuy nhiên tập trung nhiều nhất ở hai huyện Đắk Mil và Đắk R’Lấp.

Theo báo cáo số liệu kiểm kê tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh có 650.927 ha. Trong đó: đất nông, lâm nghiệp có diện tích là 598.214 ha, chiếm 91,01% tổng diện tích tự nhiên; đất sản xuất nông nghiệp chiếm 359.514 ha (trong đó đất trồng cây lâu năm là 254.772 ha). Đất lâm nghiệp có rừng tổng diện tích là 251.199,74 ha, độ che phủ đạt 37,94%, trong đó: diện tích rừng sản xuất 132.079 ha; diện tích rừng phòng hộ 47.462 ha; diện tích rừng đặc dụng 36.684 ha, rừng ngoài quy hoạch 34.974 ha” (Niên giám thống kê 2019 và Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 của UBND tỉnh về công bố hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tính đến ngày 31/12/2019).

Rừng tự nhiên ở Đắk Nông có nhiều hệ động vật, thực vật phong phú và đa dạng với 1.489 loài thuộc 768 chi, 186 họ, 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Ngành Hạt kín (Magnoliophyta) chiếm số lượng lớn nhất với 1.334 loài, ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) với 128 loài. Mười họ có số loài lớn nhất gồm họ Đậu (Leguminosae) 124 loài, họ Lan (Orchidaceae) 84 loài, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) 61 loài, họ Cà phê (Rubiaceae) 53 loài, họ Lúa (Gramineae=Poaceae) 46 loài, họ Na (Annonaceae) 43 loài, họ Cúc (Compositae=Asteraceae) 40 loài, họ Dương xỉ Đa túc (Polypodiaceae) 30 loài, họ Trúc đào (Apocynaceae) 29 loài và họ Ô rô (Acanthaceae) 26 loài. Tổng số loài của 10 họ này là 536 loài, chiếm 35,99% hệ thực vật toàn tỉnh. Tỷ lệ lớn và rất tập trung của 10 họ có số loài đông nhất trên 35%, điều này khẳng định mặc dù với sự phân hóa theo độ cao và sự hiện diện của một số loài ưa lạnh, hệ thực vật Đắk Nông vẫn mang tính chất nhiệt đới điển hình.

Ý nghĩa bảo tồn trong hệ thực vật Đắk Nông là 181 trong tổng số 1.489 loài của hệ thực vật, chiếm 12,15%. Trong đó, số lượng các loài đặc hữu ở các cấp độ khác nhau là 91 loài (chiếm 6,11% trên hệ thực vật) gồm 1 loài đặc hữu trung bộ, 27 loài đặc hữu Việt Nam và 63 loài đặc hữu Đông Dương. Về danh lục loài nguy cấp và cần bảo vệ, có 80 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó 32 loài nguy cấp (EN), 46 loài sẽ nguy cấp (VU) và 2 loài ít nguy cấp (LR). Trong Danh lục đỏ IUCN, có 4 loài Cực kỳ nguy cấp (CR) là Thích hoa đỏ (Acer erythranthum Gagn.), Trường sâng (Amesiodendron chinense (Merr.) Hu), Trầm hương (Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte), và Chà ron (Colona evecta (Pierre) Gagn.). Có 8 loài thuộc cấp độ nguy cấp (EN), 7 loài sẽ nguy cấp (VU) và 8 loài ít nguy cấp (LR).

Đặc biệt, một số loài có mức độ nguy cấp cao cả trong cách đánh giá của Việt Nam (Sách đỏ Việt Nam) và trên thế giới (IUCN’s Red List of Thraetened Species) như: Xoài Dồng Nai (Mangifera dongnaiensis Pierre) EN-EN, Gõ đỏ (Afzelia xylocarpa ) EN-EN, Cẩm lai (Dalbergia oliverii) EN-EN, Trầm hương (Aquilaria crassna) EN-CR, Lan Kim tuyến (Anoectochilus roxburghii) EN-EN.

[...]