Quyết định 1420/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen tỉnh Quảng Ngãi thực hiện trong giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 1420/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/09/2020
Ngày có hiệu lực 22/09/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Ngọc Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1420/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 9 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỀ QUỸ GEN TỈNH QUẢNG NGÃI THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2021-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01/9/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày 12/9/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh và cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 1065/TTr-SKHCN ngày 04/9/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen tỉnh Quảng Ngãi thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án khung kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ Quyết định này, các tổ chức dự kiến chủ trì có trách nhiệm:

- Đối với các nhiệm vụ có 02 tổ chức dự kiến chủ trì, tổ chức làm việc để thống nhất cử cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện, phân công, phối hợp thực hiện.

- Hoàn chỉnh phiếu đề xuất nhiệm vụ theo mẫu quy định tại Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND và gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thực hiện theo quy định.

2. Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án khung theo trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện: Tư Nghĩa và Ba Tơ; Giám đốc: Trung tâm ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ và Hợp tác xã Nông nghiệp Phổ Châu; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- CT, PCT (KGVX) UBND tỉnh;
- UBND thị xã Đức Phổ;
- VPUB: CVP, PCVP(KGVX), CBTH;
- Lưu: VT, KGVXbnt.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Dũng

 

ĐỀ ÁN

KHUNG NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỀ QUỸ GEN TỈNH QUẢNG NGÃI THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1420/QĐ-UBND ngày 22/9/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. Nhu cầu về nguồn gen và tính cấp thiết

Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng, phong phú và giàu có. Sự đa dạng, phong phú được thể hiện không chỉ ở sự có mặt của những loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm với nguồn gen đặc hữu, cá biệt chỉ có thể tồn tại ở một hoặc một số khu vực địa lý xác định ở nước ta, mà còn ở nguồn gen vật nuôi, cây trồng, thủy sản, cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao và các tri thức cổ truyền về các loài cây thuốc vô cùng quý báu ngày càng được phổ biến và sử dụng rộng rãi.

Theo số liệu tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Đề án khung quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh (2013 - 2019) và chia sẻ nguồn gen do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Việt Nam có khoảng 1.400 loài thực vật bậc cao; thú 322 loài; 887 loài chim; 176 loài ếch nhái, hàng vạn loài côn trùng và các loài động vật không xương sống khác, vi tảo ở vùng nước ngọt được xác định là 1.438 loài chiếm 9,6% so với thế giới (số loài có trên thế giới là 15.000); 21.393 các chủng vi sinh vật đã được bảo tồn... và đứng thứ 16 thế giới về đa dạng sinh học. Nếu tổ chức tốt công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu này để khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống... thì sẽ tạo nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm: “Nguồn gen là tài sản quốc gia, là vật liệu di truyền cho chọn tạo giống sinh vật, là nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh... Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen được thực hiện trên cơ sở mạng lưới quỹ gen thống nhất toàn quốc”.

Quảng Ngãi là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 5.131,5 km2. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam; phía Tây giáp các tỉnh Gia Lai và Kon Tum; phía Nam giáp tỉnh Bình Định; phía Đông giáp biển Đông.

[...]