Quyết định 163/2003/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tài chính đối ngoại do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 163/2003/QĐ-BTC
Ngày ban hành 25/09/2003
Ngày có hiệu lực 25/09/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 163/2003/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 163/2003/QĐ-BTC NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 2003 QUI ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ TÀI CHÍNH ĐỐI NGOẠI

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Công văn số 1912/BNV-TCBC ngày 15/8/2003 của Bộ Nội vụ về việc thoả thuận thành lập phòng tại một số đơn vị của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Vụ Tài chính đối ngoại là đơn vị thuộc bộ máy quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện vai trò đại diện Chính phủ và Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong các quan hệ tài chính với nước ngoài; thống nhất quản lý nhà nước về vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ, vay và trả nợ nước ngoài của quốc gia; quản lý các nguồn viện trợ quốc tế; quản lý tài chính đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài; quản lý quỹ ngoại tệ tập trung thuộc ngân sách nhà nước.

Điều 2. Vụ Tài chính đối ngoại có nhiệm vụ:

1. Về quản lý Nhà nước đối với vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ, vay và trả nợ nước ngoài của quốc gia, quản lý tài chính đối với nguồn vốn vay nợ nước ngoài của Chính phủ:

a. Trình Bộ chiến lược vay và trả nợ nước ngoài của quốc gia; kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm về vay và trả nợ của Chính phủ và của quốc gia; cơ chế giám sát, phân tích, đánh giá, cung cấp, trao đổi thông tin về tình trạng nợ nước ngoài của Chính phủ và của quốc gia (bao gồm cả các tiêu chí, hạn mức vay nợ). Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch, cơ chế nói trên sau khi được phê duyệt;

b. Giúp Bộ tham gia ý kiến về chiến lược, quy hoạch thu hút, sử dụng và điều phối nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay ODA; theo phân công của Bộ, tham gia ý kiến với Vụ Đầu tư (đối với các dự án đầu tư xây dựng) hoặc chủ trì tham gia ý kiến với các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị, thẩm định phê duyệt các chương trình, dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA; chủ trì tham gia trong quá trình thẩm định độc lập của nhà tài trợ (nếu có) đối với các dự án được lựa chọn sử dụng vốn vay ODA;

c. Trình Bộ quy chế quản lý tài chính đối với chương trình, dự án vay ODA, các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về giải ngân và quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án vay ODA; tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt; làm đầu mối xử lý các vấn đề tài chính trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án vay vốn ODA;

d. Trình Bộ cơ chế tài chính áp dụng cho các chương trình, dự án vay vốn ODA, lựa chọn tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tài chính nhà nước để uỷ quyền cho vay lại vốn vay ODA; theo dõi, đôn đốc việc thu hồi vốn cho vay lại của các tổ chức này;

đ. Tham gia với các đơn vị trong Bộ về kế hoạch tài chính hàng năm (vốn nước ngoài và vốn đối ứng) của các chương trình, dự án vay ODA; phối hợp làm thủ tục hạch toán ngân sách Nhà nước đối với nguồn vốn vay ODA;

e. Nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện các phương án huy động vốn nước ngoài trên thị trường vốn quốc tế của Chính phủ (phát hành trái phiếu Chính phủ và các hình thức huy động khác); tham gia ý kiến với các tổ chức kinh tế trong các đề án huy động vốn nước ngoài (phát hành trái phiếu hoặc các hình thức vay thương mại khác);

g. Tổ chức thực hiện bảo lãnh vay vốn nước ngoài cho các doanh nghiệp theo quy chế bảo lãnh của Chính phủ;

h. Nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp giảm nhẹ nghĩa vụ nợ của Chính phủ và của quốc gia; hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc trả nợ nước ngoài từ ngân sách nhà nước. Quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

i. Tổ chức thống kê, kế toán vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ; tổng hợp và định kỳ trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội, Chủ tịch nước về tình hình vay, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ và quốc gia.

2. Về nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thực hiện vai trò đại diện Chính phủ và nhà nước Việt Nam trong các quan hệ tài chính với nước ngoài:

a. Tổ chức đàm phán, ký kết hoặc chuẩn bị để lãnh đạo Bộ ký kết các Hiệp định vay vốn nước ngoài cho các chương trình, dự án đã được duyệt; các thoả thuận liên quan đến huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế, các thoả thuận về xử lý hoặc cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài thuộc phạm vi trách nhiệm trả nợ của ngân sách Nhà nước;

b. Chuẩn bị nội dung, tài liệu cần thiết giúp Bộ tham gia thành phần của bên Việt Nam trong các Uỷ ban liên Chính phủ hoặc tại các diễn đàn quốc tế khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

c. Tổ chức việc chuẩn bị nội dung và tài liệu cần thiết để Bộ làm việc với đại diện có thẩm quyền của các Chính phủ, tổ chức và cá nhân nước ngoài về các quan hệ tài chính của nhà nước Việt Nam với nước ngoài; giúp Bộ tham gia ý kiến về các điều kiện tài chính trong các Điều ước quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài;

3. Về quản lý tài chính đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam (FDI) và đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài:

a. Trình Bộ các giải pháp tài chính thu hút đầu tư nước ngoài; ý kiến đề xuất với Chính phủ hoặc tham gia với các Bộ, ngành, địa phương về phương hướng và biện pháp thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam; tham gia ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài; soạn thảo và trình Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện;

b. Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ thẩm định về mặt tài chính các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và các dự án đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài; tham gia ý kiến trong việc xét chọn đối tác cho các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài; tổng hợp trình Bộ xử lý các vấn đề về tài chính liên quan đến các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài; tham gia kiểm tra hoạt động của các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

c. Tổng hợp báo cáo hàng năm và các báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của Bộ trưởng về tình hình thực hiện vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tình hình hoạt động tài chính và thu ngân sách từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

d. Giúp Bộ trưởng thực hiện bảo lãnh các nghĩa vụ Tài chính của Chính phủ đối với các hợp đồng BOT và các hình thức FDI khác theo sự phân công của Chính phủ;

4. Về quản lý Tài chính đối với các nguồn viện trợ quốc tế:

a. Chủ trì xây dựng cơ chế chính sách chế độ quản lý tài chính phù hợp với đặc điểm các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại (sau đây gọi là nhà viện trợ); hướng dẫn các ngành, địa phương, đơn vị, chủ dự án trong việc thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành;

[...]