Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định số 1573/QĐ-UBND năm 2013 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 1573/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/06/2013
Ngày có hiệu lực 17/06/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Mai Thanh Thắng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1573/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 17 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 751/TTr-SVHTTDL ngày 11/6/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Mai Thanh Thắng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 17/6 /2013 của UBND tỉnh Bình Định)

Thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung chủ yếu như sau:

I. THỰC TRẠNG

Trong thời đại ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu, nạn đói, dịch bệnh, thiên tai,… trong đó vấn đề gia đình đang ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của nhân loại.

Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng vấn đề gia đình và đã lấy ngày 28/6 hằng năm là “Ngày Gia đình Việt Nam”. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh “phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Cùng với những thành tựu chung của đất nước, sau khi có đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng có nhiều tiến bộ tích cực. Các mối quan hệ trong gia đình ngày càng được tôn trọng, bình đẳng và dân chủ. Quyền trẻ em, quyền tự do và bình đẳng trong hôn nhân của các thành viên được khẳng định và tôn trọng. Kết cấu và quy mô gia đình ngày càng thu hẹp để hình thành các gia đình “hạt nhân” và sinh đẻ ít con, tạo cơ hội chăm sóc và nuôi dạy con tốt hơn...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, gia đình mới ở tỉnh ta hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế cần được khắc phục như: Mức tăng dân số còn cao, đặc biệt ở nông thôn ảnh hưởng đến mức sống gia đình và gây sức ép về nhà ở, việc làm, chăm sóc y tế... Sự phân hóa giàu - nghèo giữa các gia đình có xu hướng tăng, số hộ gia đình nghèo còn nhiều, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi cao... Mối quan hệ trong và ngoài gia đình đang bị giảm sút. Hiện tượng phục hồi các hủ tục và tiếp thu lối sống thực dụng, tiêu cực ngoại lai có chiều hướng phát triển. Tình trạng ly thân, ly hôn có xu hướng tăng, tình trạng trẻ em hư hỏng, tiếp thu văn hóa phẩm tiêu cực, bỏ học lang thang kiếm sống, thiếu được chăm sóc còn nhiều, người vợ, người mẹ phải gánh vác quá nhiều công việc ở cơ quan và gia đình nhưng vẫn còn bị phân biệt đối xử. Mâu thuẫn, bạo lực gia đình có xu hướng tăng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó về nguyên nhân khách quan là: do sự tác động của mặt trái xu thế toàn cầu hóa, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước kéo dài và nền kinh tế kém phát triển, hậu quả của chiến tranh và sự phá hoại của các thế lực từ bên ngoài.... Về mặt chủ quan: do chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của gia đình vì thế mà những giá trị của gia đình truyền thống chưa thật sự được quan tâm, chưa thấy hết và khai thác tốt tiềm lực kinh tế gia đình.

Vì vậy, tiếp tục vận dụng sáng tạo các định hướng xây dựng gia đình văn hóa mới là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, của các gia đình và của toàn xã hội. Trong đó, các kế hoạch xây dựng củng cố gia đình phải gắn với kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương trong tỉnh cũng như trên phạm vi toàn quốc, đồng thời cần quan tâm một cách thiết thực và toàn diện hơn nữa đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của mỗi người để xây dựng gia đình “Tiến bộ và hạnh phúc”.

II. QUAN ĐIỂM

1. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013 - 2020, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Ưu tiên, tạo điều kiện để các gia đình khu vực nông thôn, miền núi, khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

III. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung

[...]