Quyết định 276/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 276/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/06/2014
Ngày có hiệu lực 04/06/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Phạm Thế Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 276/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 04 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;

Căn cứ Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 04/12/2012 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Chỉ thị số 2522/CT-BVHTTDL ngày 26/7/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 113/TT-SVHTTDL ngày 30/8/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở, ban ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2
- Bộ VH, TT&DL;
- T/T Tỉnh ủy; T/T HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các Hội, đoàn thể của tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KHTH, TTTH, VHXH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 04/6/2014 của UBND tỉnh)

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIA ĐÌNH TỈNH GIA LAI ĐẾN CUỐI NĂM 2013:

1. Đặc điểm tình hình:

Gia Lai là một tỉnh miền núi biên giới ở phía Bắc Tây Nguyên. Toàn tỉnh có 14 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố; 222 xã, phường, thị trấn, 2.149 thôn, làng, tổ dân phố; Dân số là 1.302.000 người; 288.141 hộ gia đình. Có 34 dân tộc, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai và Bahnar chiếm 45,8%. Cơ cấu dân số vùng nông thôn chiếm 71,45%, thành thị chiếm 28,55%.

Thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội những năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi gia đình. Kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển và thực sự đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế hàng năm. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở đã trở thành động lực để xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tính đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 68%, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đạt 47,42%.

Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là một tỉnh nghèo, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế một mặt tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng gây ra những khó khăn, thách thức cho gia đình và công tác quản lý gia đình hiện nay.

2. Về tổ chức bộ máy làm công tác gia đình:

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp huyện, xã trong tỉnh hiện chưa có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác gia đình theo chế độ chuyên trách. Bên cạnh đó, năm 2008, sau khi chia tách, sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện theo Nghị định số 13, 14/NĐ-CP ngày 4/02/2008 của Chính phủ, lực lượng cộng tác viên trước kia đảm nhận công tác gia đình (thuộc Ủy ban Dân số Gia đình Trẻ em cũ) hiện cũng không còn.

3. Về chất lượng các mối quan hệ trong gia đình và công tác tuyên truyền:

Mặt trái của cơ chế thị trường đã và sẽ tiếp tục tác động mạnh đến các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của gia đình và văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự phân hóa giàu nghèo đang làm gia tăng khoảng cách về mức sống giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội khiến cho nhiều gia đình khó có thể thực hiện đầy đủ được các chức năng cơ bản của mình. Sự biến đổi sâu sắc phương thức quản lý kinh tế đã và đang tác động nhiều đến chức năng, quy mô và cấu trúc của gia đình nhưng chưa được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm đúng mức. Tình trạng bạo lực gia đình có dấu hiệu gia tăng đáng báo động. Hầu hết các vụ bạo lực gia đình chưa có sự can thiệp từ lãnh đạo, chính quyền và các đoàn thể xã hội ở địa phương.

Lĩnh vực gia đình rất rộng và mang tính tổng hợp, công tác quản lý nhà nước về gia đình là một lĩnh vực còn hết sức non trẻ. Tại Gia Lai, các hoạt động truyền thông của công tác gia đình chủ yếu phải lồng ghép trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

4. Về xây dựng cơ sở dữ liệu gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình:

[...]