Quyết định 1499/QĐ-UBND năm 2017 về Đề án phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 1499/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/09/2017
Ngày có hiệu lực 06/09/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Đồng Văn Thanh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1499/QĐ-UBND

Hậu Giang, ngày 06 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẬU GIANG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;

Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1496/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang đến năm 2020;

Căn cứ Chương trình số 141a-Ctr/TU ngày 30 tháng 01 năm 2013 của Tỉnh ủy Hậu Giang về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI;

Căn cứ Chương trình số 42-Ctr/TU ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Tỉnh ủy Hậu Giang về việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 48/TTr-SKHCN ngày 22 tháng 8 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đúng quy định và đạt mục tiêu đề ra.

Điều 3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&CN;
- TT
: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Lưu VT. VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Đồng Văn Thanh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẬU GIANG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1499/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2017 của UBND tỉnh Hậu Giang)

I. Sự cần thiết và cơ sở pháp lý ban hành Đề án

1. Sự cần thiết ban hành Đề án

Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.....

Đối với tỉnh Hậu Giang, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 cũng đặt trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của cả nước; trong đó khoa học và công nghệ có vai trò là lực lượng sản xuất trực tiếp, là công cụ và giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chương trình hành động số 141a-CTr/TU ngày 30 tháng 01 năm 2013 để thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2013 về việc thực hiện Chương trình số 141a-CTr/TU của Tỉnh ủy Hậu Giang.

Một số kết quả hoạt động khoa học và công nghệ từ khi tách tỉnh năm 2004 đến năm 2015 trên các lĩnh vực:

- Trong lĩnh vực nông nghiệp: có 83 đề tài, dự án được triển khai thực hiện đã tạo ra các mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp đã góp phần đẩy mạnh quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; cung cấp luận cứ khoa học giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Viện, Trường đại học xây dựng, thực hiện chuyển giao các quy trình kỹ thuật canh tác cho nông dân ứng dụng vào đời sống, sản xuất góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được đưa vào sản xuất thử nghiệm phù hợp với địa phương và được nhân rộng như: nghiên cứu tồn trữ hạt lúa giống bằng túi yếm khí, lúa giống tồn trữ bằng túi yếm khí để làm giống cho vụ tiếp theo có thời gian tồn trữ lâu hơn, tỷ lệ nảy mầm cao hơn so với biện pháp tồn trữ của bà con nông dân; nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất giống chuối cấy mô trồng thay thế các giống chuối đã bị thoái hóa, năng suất thấp; xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển cây khóm Queen sạch bệnh nhằm chuyển đổi cánh đồng khóm năng suất thấp thành vùng chuyên canh khóm bền vững năng suất cao, đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu; xây dựng, phát triển mô hình ứng dụng sản xuất nấm xanh trong điều kiện nông hộ, quản lý tổng hợp rầy nâu hại lúa góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, xã hội hóa trong phòng trừ dịch hại bằng biện pháp sinh học, tạo sự chuyển biến từ phòng trừ dịch hại bằng thuốc hóa học sang hướng sinh học; nghiên cứu tuyển chọn giống mía có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái tại huyện Phụng Hiệp (đất thấp, đất ngập) và thành phố Vị Thanh (đất cao, ít ngập) 1-2 giống mía mới có năng suất quy về 10 CCS (hàm lượng % đường trong mía là 10%) cao hơn giống mía đối chứng đang phổ biến trong vùng 8-10%... Một số mô hình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP trên chanh không hạt, lúa, khóm, dưa hấu; mô hình nuôi cá thát lát, cá trê vàng; các quy trình sản xuất chế phẩm EM, nấm xanh ..... đã được áp dụng vào đời sống, sản xuất; tổng sản phẩm ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh giai đoạn 2004 - 2015 tăng bình quân khoảng 7% năm, trong đó việc áp dụng khoa học và công nghệ giúp tăng khoảng 30 - 40%.

- Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

Đã có 15 đề tài, dự án được thực hiện nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như: nghiên cứu ứng dụng các biện pháp giải quyết rác nông thôn, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng công cụ tin học ENVIMHG hỗ trợ công tác quản lý môi trường; nghiên cứu áp dụng các giải pháp quản lý môi trường trong ngành chăn nuôi, giết mổ, chế biến thức ăn gia súc; hệ thống xử lý nước thải tập trung theo hướng bền vững ..Thông qua các đề tài, dự án được ứng dụng đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, cung cấp cơ sở khoa học giúp các cơ quan quản lý môi trường hoạch định chiến lược phát triển, khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng phòng tránh, hạn chế tác động xấu của thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, người dân đã làm quên được việc sử dụng các chế phẩm sinh học thay cho thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên địch.

[...]