Quyết định 1482/QĐ-BYT năm 2017 phê duyệt “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh cúm A(H7N9)” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1482/QĐ-BYT
Ngày ban hành 18/04/2017
Ngày có hiệu lực 18/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 1482/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM A(H7N9)”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh cúm A(H7N9)”

Điều 2. “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh cúm A(H7N9)” là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước, bán công và tư nhân trên toàn quốc.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành và thay thế Quyết định số 1128/QĐ-BYT ngày 06/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn giám sát, phòng chống cúm A(H7N9) và Quyết định số 1127/QĐ-BYT ngày 06/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn k thuật lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm cúm A(H7N9).

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Bộ NN và PTNT (để phối hợp);
- Các Đ/c Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp);
- Các thành viên BCĐ PCDB của Bộ Y tế;
- Trung tâm YTDP, KSBT, KDYTQT, TTGDSK, Bệnh viện các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

HƯỚNG DẪN

GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM A(H7N9)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1482/QĐ-BYT ngày
18 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG

Dịch bệnh cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3 năm 2013, có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Gia cầm nhiễm vi rút không có biểu hiện bệnh nhưng có khả năng lây bệnh cho người. Phương thức lây truyền chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên hầu hết người mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, sản phẩm gia cầm và môi trường bị nhiễm vi rút cúm A(H7N9), đến nay chưa có bằng chứng về việc lây truyền từ người sang người. Người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Bệnh diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao khoảng 40%. Từ năm 2013 đến đầu tháng 4 năm 2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận 5 đợt dịch, chủ yếu tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm với tổng số 1.378 trường hợp mắc, 501 trường hợp tử vong. Ngoài ra đã ghi nhận 1 trường hợp là người Malaysia và 2 trường hợp người Canada mắc bệnh sau khi đi về từ vùng có dịch của Trung Quốc.

Ngày 25/02/2017, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo có sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao đối với gia cầm; tuy nhiên trên thực tế chưa ghi nhận gia cầm nhiễm vi rút có biểu hiện bệnh. Bên cạnh đó cũng đã có bằng chứng thay đổi về gen của vi rút cúm A(H7N9) liên quan đến giảm nhạy cảm với thuốc kháng vi rút, tuy nhiên WHO chưa đưa ra khuyến cáo về thay đổi hướng dẫn điều trị.

II. HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT

1. Mục tiêu giám sát

Giám sát phát hiện sớm các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người, các trường hợp lây truyền từ người sang người nhằm đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng.

2. Định nghĩa trường hợp bệnh

2.1. Trường hợp bệnh nghi ngờ

Là trường hợp có triệu chứng sốt (>38°C), ho, đau họng, viêm long đường hô hấp (có thể khó thở, đau ngực) và trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát có một trong các yếu tố dịch tễ sau:

- Có tiền sử đến/ở/về từ vùng xác định nhiễm vi rút cúm A(H7N9).

- Có tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh cúm A(H7N9) trong quá trình chăm sóc; sống, làm việc cùng; ngồi cùng chuyến xe/toa tầu/máy bay (đặc biệt cùng hàng hoặc trước sau một hàng ghế) trong khoảng thời gian từ 1 ngày trước khi người bệnh khởi phát triệu chứng cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.

- Tiếp xúc với gia cầm, chim trong vùng có lưu hành vi rút cúm A(H7N9) (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa nấu chín ...).

2.2. Trường hợp bệnh xác định

[...]