Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1466/QĐ-UBND năm 2018 về Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 1466/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/12/2018
Ngày có hiệu lực 28/12/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1466/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN VÀ CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Dược ngày 06/4/2016;

Căn cứ Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu;

Căn cứ Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Thực hiện Thông báo số 369/TB-VPCP ngày 24/9/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đầu tư, phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tỉnh Kon Tum;

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Thực hiện Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 196/TTr-SNN ngày 13/11/2018 (kèm theo hồ sơ),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với một số nội dung chính như sau:

1. Quan đim:

a) Quan điểm chung:

Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh trên cơ sở huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư, bảo tồn, phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển dược liệu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

b) Quan điểm phát triển Sâm Ngọc Linh:

Sâm Ngọc Linh là một sản phẩm đặc hữu, đặc biệt có giá trị của vùng núi Ngọc Linh, là tiềm năng to lớn để phát triển ngành công nghiệp trồng và chế biến Sâm Ngọc Linh, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh phải thực hiện từng bước vững chắc, hiệu quả; gắn việc đầu tư phát triển với bảo tồn, đặc biệt chú trọng bảo tồn nguồn gen thuần chủng, bảo đảm không bị lai tạp hay nhầm lẫn với các loại sâm, dược liệu khác. Tập trung phát triển chiều sâu, tăng giá trị của Sâm Ngọc Linh với bước đi và lộ trình thích hợp. Trước mắt hướng vào việc phát huy các giá trị vượt trội, ưu việt của Sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự. Về lâu dài, cần có chiến lược đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa Sâm Ngọc Linh đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thấp đến cao trên thị trường quốc tế, đồng thời tiếp tục có những sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp gắn với giá trị đặc biệt của Sâm Ngọc Linh.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên; chú trọng bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm, phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng có điều kiện phát triển dược liệu và tăng dần tỷ trọng đóng góp của ngành dược liệu trong tổng sản phẩm của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn năm 2018-2020

- Bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc Quốc gia Sâm Ngọc Linh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông; khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn và phát triển vùng nuôi trồng tập trung 10 dược liệu và các loài dược liệu giá trị kinh tế cao1 đạt 2.000 ha, sản lượng nguyên liệu dược liệu ước đạt trên 8.000 tấn (trong đó tập trung phát triển 1.000 ha Sâm Ngọc Linh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei).

- Phát triển các cơ sở sản xuất giống gốc, giống thương phẩm đối với các loài dược liệu địa phương, đáp ứng 100% nhu cầu phát triển vùng trồng dược liệu tập trung. Hình thành ít nhất 02 cơ sở sản xuất giống Sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông, 01 cơ sở sản xuất giống dược liệu khác tại Kon Plông.

- Thu hút đầu tư ít nhất 10 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu quy mô từ nhỏ đến lớn, từ sơ chế, chế biến truyền thống đến ứng dụng công nghệ cao chế biến sâu để cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết đạt tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

b) Giai đoạn năm 2021 - 2030

- Phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia với diện tích tổng số 25.000 ha đối với 10 loài dược liệu, sản lượng các loại dược liệu đạt trên 131.750 tấn. Trong đó, phát triển 10.000 ha Sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei gắn với phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ sâm củ Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp của tỉnh.

[...]