HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/2018/NQ-HĐND
|
Kon Tum, ngày 19
tháng 7 năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
ĐỀ ÁN ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN VÀ CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN
NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 65/2017/NĐ-CP
ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và
công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu;
Thực hiện Quyết định số
1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm
2030;
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU
ngày 02 tháng 3 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về đầu tư, phát triển
và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum;
Xét Tờ trình số 77/TTr-UBND ngày
22 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án đầu tư,
phát triển, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng
đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh;
ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua
Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm
2020, định hướng đến năm 2030
1. Quan điểm, mục
tiêu
a) Quan điểm
Phát triển bền vững nguồn tài nguyên
dược liệu của tỉnh trên cơ sở huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư, bảo tồn,
phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản
phẩm dược liệu có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển dược
liệu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần
tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo tồn đa dạng
sinh học và môi trường sinh thái.
b) Mục tiêu phát triển
- Mục tiêu chung: Quản lý, khai thác
và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên; chú trọng bảo
tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm, phục vụ cho mục tiêu phát triển
y tế và kinh tế. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất
lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu, góp phần
nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng có điều kiện phát triển dược liệu
và tăng dần tỷ trọng đóng góp của ngành dược liệu trong tổng sản phẩm của tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2030 phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược
liệu trọng điểm quốc gia.
- Mục tiêu cụ thể
+ Đến năm 2020, phát triển khoảng
2.000 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có
giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường (trong đó có ít nhất 1.000
ha Sâm Ngọc Linh); hình thành ít nhất 02 cơ sở sản xuất giống Sâm Ngọc Linh, 01
cơ sở sản xuất giống dược liệu khác; thu hút đầu tư ít nhất 10 cơ sở sản xuất,
chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu địa phương theo chuỗi
liên kết phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
+ Đến năm 2030, nâng tổng diện tích
vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha (trong đó có khoảng 10.000 ha
Sâm Ngọc Linh); hình thành mới ít nhất 05 cơ sở sản xuất giống dược liệu trên địa
bàn toàn tỉnh; mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản
xuất ngành nông nghiệp của tỉnh; hoàn thành công tác điều tra, thống kê dược
liệu và tổ chức bảo tồn, khai thác bền vững dược liệu.
2. Nhiệm vụ và giải
pháp
a) Tăng cường
công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và Nhân dân về
dược liệu
- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền và
phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu đến tất cả cán
bộ, công chức và tầng lớp Nhân dân để tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong
tổ chức thực hiện.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền
về việc sử dụng dược liệu, thuốc, các sản phẩm từ dược liệu, y dược cổ truyền
trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh; chú trọng công tác quảng bá,
xây dựng thương hiệu dược liệu và y dược cổ truyền, nhất là các sản phẩm dược
liệu đặc trưng của tỉnh Kon Tum.
b) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước về dược liệu
- Kiện toàn bộ máy, nhân lực để bố
trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý nhà nước về dược liệu; tổ chức lại
công tác quản lý nhà nước bảo đảm phân định rõ nhiệm vụ chức năng của các đơn vị,
địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với dược liệu, trong đó phân
công đầu mối quản lý và trách nhiệm phối hợp.
- Rà soát, xây dựng và ban hành các
văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về quản lý,
khai thác bền vững nguồn dược liệu tự nhiên. Tăng cường thực hiện quản lý, giám
sát chặt chẽ các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, nhất là các dự
án có thuê rừng để trồng Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu dưới tán rừng;
công tác phân phối, lưu thông dược liệu; ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán dược
liệu trái phép, dược liệu giả và gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.
- Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao
khoa học kỹ thuật trong phát triển dược liệu. Tăng cường hợp tác quốc tế trong
các lĩnh vực nghiên cứu khoa học ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ
tiên tiến, đào tạo nhân lực, công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn
tài nguyên dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực dược liệu, tạo
đột phá trong phát triển dược liệu và tạo ra các sản phẩm có giá trị chữa bệnh
và kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
c) Quy hoạch, bảo tồn, đầu tư và phát
triển các vùng trồng dược liệu tập trung
- Trên cơ sở hiện trạng trồng, phân bố
về trữ lượng dược liệu tự nhiên của tỉnh, quy hoạch phát triển từng loài dược
liệu phù hợp với hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng khí
hậu của tỉnh, nhất là các huyện trọng điểm phát triển dược liệu như Tu Mơ Rông,
Đăk Glei và Kon Plông để khuyến khích phát triển các dược liệu phù hợp; có kế
hoạch khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn.
- Đầu tư phát triển vùng trồng dược
liệu tập trung đối với 10 loài dược liệu (Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương
quy, Ngũ vị tử, Lan kim tuyến, Nghệ vàng, Đinh lăng, Sa nhân tím, Ý dĩ, nấm dược
liệu và một số loài dược liệu giá trị kinh tế cao theo Quyết định số
1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch
tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030) có
thế mạnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái trên địa bàn tỉnh,
trọng tâm tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và ở những vùng khác
trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi cho phát triển dược liệu. Trước mắt, đến
năm 2020 ưu tiên tập trung phát triển 04 loài dược liệu chủ lực: Sâm Ngọc Linh,
Đảng sâm, Đương quy, Nghệ vàng và một số loài dược liệu có thế mạnh, sức tiêu
thụ lớn trên thị trường; giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục đầu tư phát triển đồng
đều các loài dược liệu còn lại.
- Bố trí diện tích rừng và đất lâm
nghiệp, diện tích đất nông nghiệp phù hợp để phát triển vùng trồng dược liệu tập
trung quy mô lớn; gắn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển
dược liệu; đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất
và chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp phù hợp sang nuôi trồng dược liệu để
phát triển vùng trồng dược liệu tập trung.
- Đầu tư phát triển các cơ sở bảo tồn
và sản xuất giống dược liệu nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa
học và cung cấp giống dược liệu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng đáp ứng nhu cầu sản
xuất, đặc biệt là giống Sâm Ngọc Linh; khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư
cơ sở bảo tồn và phát triển nguồn giống dược liệu. Trước mắt, đến năm 2020 hình
thành 01 cơ sở sản xuất giống dược liệu tại huyện Kon Plông; duy trì công tác
nghiên cứu, sản xuất giống dược liệu tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và
công nghệ; phát triển 02 vườn ươm giống Sâm Ngọc Linh trên cơ sở vườn giống hiện
có của doanh nghiệp. Đến năm 2020 cung ứng 50% và phấn đấu đạt 100% nhu cầu giống
các loại dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2030. Phấn đấu sớm hình thành
Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia tại tỉnh Kon Tum.
- Quản lý chặt chẽ các nguồn giống gốc,
giống dược liệu địa phương có giá trị; triển khai công tác đăng ký cấp giấy chứng
nhận nguồn giống, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ đối với cây thuốc địa
phương quý hiếm, đặc hữu. Trình cấp thẩm quyền bổ sung một số loại giống dược
liệu địa phương vào danh mục giống dược liệu được phép sản xuất, kinh doanh tại
Việt Nam theo quy định.
- Chú trọng triển khai thực hiện các
chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu chọn, tạo giống dược
liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng
sinh thái của tỉnh, phục vụ sản xuất rộng rãi nguồn giống dược liệu phổ biến
trong khám chữa bệnh, có chất lượng, giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng, khai
thác đến sản xuất, chế biến, sử dụng các sản phẩm dược liệu đã qua sản xuất, chế
biến.
- Xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu
trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu. Có giải pháp hỗ trợ giống một
số loài dược liệu có thế mạnh cho tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ để liên kết
trồng, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn và
chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch dược liệu theo nguyên tắc,
tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái cây thuốc” của Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO-GACP), gắn với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo phát
triển bền vững.
d) Chế biến và tiêu thụ dược liệu
- Đến năm 2020, đầu tư hoàn thiện hạ
tầng Cụm công nghiệp Đăk La, huyện Đăk Hà để thu hút các dự án vào trong Cụm
công nghiệp chế biến dược liệu với quy mô chế biến đạt trên 1.500 tấn/năm, đồng
thời thu hút 01 dự án đầu tư nhà máy tinh chế curcumin nghệ (tinh bột nghệ) với công
suất 3.000 tấn/năm; thu hút 01 dự án đầu tư nhà máy tinh chế curcumin nghệ với
công suất 50 tấn/năm; thu hút 01- 02 dự án đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm
từ sâm (Sâm Ngọc
Linh, Đương quy, Đảng sâm) công suất 3.300 tấn củ
tươi/năm. Tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu các
sản phẩm có nguồn gốc từ Sâm Ngọc Linh để tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất
khẩu; phấn đấu có sản phẩm đầu tiên trên thị trường, góp phần phát triển Sâm Ngọc
Linh trở thành sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6
năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đến năm 2030, hoàn thiện hạ tầng
các khu, cụm công nghiệp và hình thành các cơ sở thu mua, sơ chế và bảo quản dược
liệu tại các địa bàn phát triển vùng trồng dược liệu tập trung để thu hút đầu
tư các nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn phục vụ cho việc tiêu
thụ hết sản lượng nguyên liệu sản xuất. Khuyến khích phát triển các nhà máy sản
xuất nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp dược, thực phẩm chức năng,… Tiếp tục
thu hút đầu tư nhà máy tinh chế curcumin nghệ (tinh nghệ) với công suất 30.000
tấn/năm; đầu tư xây dựng từ 01 - 02 nhà máy chế biến các sản phẩm từ dược liệu
(Đảng sâm, Đương quy) công suất 250 tấn củ tươi/năm; đầu tư 02 nhà máy chế biến
các sản phẩm dược liệu với công suất 50.000 tấn nguyên liệu tươi (củ, lá, hoa,
quả)/năm.
- Hỗ trợ đầu tư thiết bị, công nghệ
bào chế, chế biến thuốc (thuốc thành phẩm, vị thuốc y học cổ truyền) cho các cơ
sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập để sơ chế, chế biến thuốc phục vụ
cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh. Ưu tiên sử dụng dược liệu, thuốc đông y, thuốc
chế biến từ dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng trong các cơ sở y tế công lập.
- Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất,
sơ chế và chế biến dược liệu và phân phối dược liệu; khuyến khích hình thành
các Tổ hợp tác, nhóm hộ để liên kết trồng, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị.
- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ gia
đình và cá nhân trồng dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi
trồng và thu hái cây thuốc” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-GACP), gắn với chính
sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo phát triển bền vững.
- Thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ
các dự án đầu tư trồng và chế biến dược liệu đảm bảo về nguồn giống, chất lượng
sản phẩm, đặc biệt là đối với các dự án có thuê rừng để trồng Sâm Ngọc linh và
các loại dược liệu dưới tán rừng.
- Phát huy vai trò của Hội Sâm Ngọc
Linh, Hội Đông y tỉnh Kon Tum trong việc phát triển dược liệu và sản phẩm quốc
gia Sâm Ngọc Linh; hình thành Hiệp hội Dược liệu tỉnh Kon Tum để làm đầu mối tổ
chức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu, bảo vệ quyền lợi
cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển dược liệu.
- Tổ chức sản xuất, kiểm nghiệm chất
lượng dược liệu, thuốc cổ truyền để làm cơ sở công bố và tiêu thụ trong các cơ
sở y tế trên địa bàn tỉnh và cả nước. Nghiên cứu đặt hàng hoặc giao kế hoạch
trong việc mua một số loại dược liệu nuôi trồng trong tỉnh có chất lượng đạt
tiêu chuẩn phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
đ) Hợp tác quốc tế
- Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh
công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu và bảo
tồn đa dạng sinh học. Hợp tác nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút
đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược liệu; nghiên cứu ứng dụng
và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện tỉnh
Kon Tum, thân thiện môi trường để tạo đột phá trong phát triển dược liệu và tạo
ra các sản phẩm có giá trị điều trị cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
- Hợp tác đào tạo nguồn lực phục vụ
công tác quản lý, kỹ thuật viên dược cổ truyền, kỹ thuật viên nuôi trồng dược
liệu và đào tạo nghề lao động trồng dược liệu cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản
xuất, kinh doanh dược liệu.
- Thu hút các dự án đầu tư trong và
ngoài nước, dự án khởi nghiệp có liên kết “5 nhà”, ứng dụng hoặc nhận chuyển
giao các kết quả nghiên cứu từ các công trình, đề tài nghiên cứu về canh tác,
sơ chế, chế biến dược liệu trong nước và thế giới thân thiện với môi trường được
công bố.
- Hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học
công nghệ về bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn dược liệu và bảo tồn đa
dạng sinh học.
e) Khoa học công nghệ
- Xúc tiến làm việc với Chính phủ,
các Bộ, ngành Trung ương về các dự án bảo tồn, phát triển dược liệu, sản phẩm từ
dược liệu và sản phẩm quốc gia; dự án nhập nội giống cây dược liệu có chất lượng
cao; xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đối với Sâm Ngọc
Linh tại Tu Mơ Rông và Đăk Glei và các loài dược liệu khác, phục vụ công tác bảo
tồn, nghiên cứu, nhân nhanh giống các loài dược liệu địa phương và tuyển chọn
các loài dược liệu nhập nội để phát triển vùng nguyên liệu dược liệu.
- Tạo điều kiện khuyến khích các tổ
chức khoa học công nghệ, nhà đầu tư đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, chuyển
giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để sản xuất nguyên liệu dược liệu
làm thuốc.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến,
hiện đại vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng, khai thác đến sản
xuất, chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên
thị trường, sử dụng các sản phẩm dược liệu đã qua bào chế, sơ chế thành thuốc cổ
truyền, vị thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và các nhu cầu khác trong và
ngoài tỉnh (sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp chiết xuất).
Sử dụng các công nghệ an toàn, thân thiện với môi trường.
- Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật
chất kỹ thuật cho các cơ sở nghiên cứu phát triển giống dược liệu, các trường dạy
nghề theo hướng đồng bộ, hiện đại.
- Sưu tầm, nghiên cứu kế thừa các bài
thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc trong cộng đồng để điều
trị bệnh.
- Rà soát bổ sung danh mục các loài
dược liệu có nguồn gốc thực vật, động vật và khoáng vật làm thuốc; xây dựng
danh mục dược liệu cấm khai thác.
- Ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp
nông nghiệp, khoa học công nghệ để ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong
sản xuất, sơ chế và chế biến dược liệu vào sản xuất.
g) Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân
sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, ngân sách huyện),
nguồn vốn của doanh nghiệp và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 2. Chính
sách hỗ trợ đầu tư phát triển dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ dược liệu của
tỉnh Kon Tum
1. Chính sách
hỗ trợ giống phát triển một số loài dược liệu chủ lực (sâm Ngọc
Linh, Đảng sâm, Đương quy)
a) Hỗ trợ chi phí sản xuất
giống trồng sâm Ngọc Linh
- Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ
trợ một phần chi phí cho Nhà đầu tư sản xuất giống sâm Ngọc Linh
để hỗ trợ lại giống cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư
tham gia liên kết với trồng sâm Ngọc Linh với Nhà đầu tư. Mức hỗ trợ
50.000.000 đồng/ha sâm trồng liên kết; diện tích hỗ trợ không quá 10
ha/01 Nhà đầu tư. Số lượng giống Sâm Ngọc Linh thương phẩm được Nhà đầu tư hỗ
trợ lại là 500 cây/ha, mỗi hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ một lần không quá
100 cây giống Sâm Ngọc Linh thương phẩm.
- Đối tượng và điều kiện: Nhà đầu
tư có vườn giống gốc sâm Ngọc Linh để sản xuất giống thương phẩm hỗ trợ lại
cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư trồng sâm Ngọc Linh theo
hình thức hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa Nhà đầu tư với hộ
gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư. Ưu tiên hỗ trợ cho hộ gia đình,
cá nhân là người dân tộc thiểu số tham gia nhóm hộ, cộng đồng dân cư được
giao khoán quản lý bảo vệ rừng trong vùng quy hoạch theo thứ tự:
+ Vùng có chỉ dẫn địa lý.
+ Các vùng còn lại.
b) Hỗ trợ giống trồng Đảng sâm,
Đương quy
- Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ
trợ một lần 50% chi phí mua cây giống trồng Đảng sâm và Đương quy cho hộ
gia đình, cá nhân; hỗ trợ một lần cho hộ nghèo 100% chi phí mua cây giống
trồng Đảng sâm, Đương quy, chi phí mua phân bón hữu cơ vi sinh theo định mức
cho chu kỳ đầu tiên. Diện tích hỗ trợ mỗi hộ tối đa 1.000m2.
- Đối tượng và điều kiện: Đối
tượng hỗ trợ là cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số sinh sống
tại ba huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và những vùng khác trên địa bàn
tỉnh có điều kiện thích hợp để trồng và phát triển Đảng sâm hoặc Đương quy.
Ưu tiên hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân tham gia nhóm hộ, cộng đồng dân cư quản
lý và bảo vệ rừng, tham gia các tổ chức đại diện nông dân (tổ hợp tác, hợp
tác xã). Mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ chi phí mua giống trồng
một trong hai loại dược liệu nêu trên.
2. Chính sách
hỗ trợ về đất đai
Miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông
nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích trồng dược liệu trên địa
bàn tỉnh theo điểm b khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19
tháng 5 năm 2017 của Chính phủ. Trong trường hợp có sự thay đổi chính sách
hỗ trợ về đất đai tại Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của
Chính phủ thì được hỗ trợ theo quy định mới của Chính phủ.
Điều 3. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy ban ban
nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện.
2. Giao Thường trực
Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Kon Tum Khóa XI Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2018 và có
hiệu lực từ ngày 29 tháng 7 năm 2018./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản pháp luật);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Pháp chế);
- Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế);
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh;
- Thường trực HĐND-UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Văn phòng HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Báo Kon Tum; Đài PTTH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CTHĐ.
|
CHỦ
TỊCH
Nguyễn Văn Hùng
|