Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2232/KH-UBND năm 2022 triển khai Nghị quyết 14-NQ/TU về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 2232/KH-UBND
Ngày ban hành 13/07/2022
Ngày có hiệu lực 13/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2232/KH-UBND

Kon Tum, ngày 13 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 14-NQ/TU NGÀY 19 THÁNG 5 NĂM 2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN VÀ CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI;

Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1790/SNN-KH ngày 29 tháng 6 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 14-NQ/TU), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/TU, quyết tâm đưa tỉnh Kon Tum sớm thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp chính quyền địa phương và Nhân dân nhằm tích cực tham gia công tác phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

2. Yêu cầu

- Xác định việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU là nhiệm vụ trọng tâm; phân công rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị, địa phương để tập trung triển khai thực hiện.

- Các cơ quan chuyên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã chủ động tham mưu chính quyền các cấp xây dựng, cụ thể hóa thành kế hoạch hằng tháng, quý, năm để triển khai thực hiện; việc triển khai thực hiện phải được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, thường xuyên, liên tục của các ngành liên quan và chính quyền các cấp tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.

- Phát triển dược liệu gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đảm bảo cải thiện sinh kế cho người dân có tham gia vào sản xuất dược liệu; dược liệu được sản xuất theo hướng tăng số lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn GAP-WHO; GMP WHO và có thể tham gia vào sản xuất thuốc điều trị bệnh.

- Tổ chức thực hiện Nghị quyết phải đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất dược liệu.

3. Các chỉ tiêu đến năm 2025 và định hướng đến 2030

a. Đến năm 2025

- Hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung; trong đó: Diện tích Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); các cây dược liệu khác đạt khoảng 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha cây dược liệu hằng năm (1.600 ha đất qua các lượt trồng) các loại cây dược liệu ngắn ngày.

- Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô trên 01 ha, công suất 1-2 triệu cây/năm đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống.

- Phấn đấu có hơn 40% số hợp tác xã tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu.

- Khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh. Phấn đấu đến 2025 khai thác khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại; trong đó, khai thác khoảng 700 tấn dược liệu tự nhiên (Cu ly, Huyết đằng, Cốt toái bổ, Mật nhân, chè dây...), khai thác khoảng 300 tấn dược liệu trồng (Đảng sâm, Đương quy, Nghệ vàng, Sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Ngũ vị tử, Giảo cổ lam...).

- Phát triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, phấn đấu mỗi huyện, thành phố hình thành 01 cơ sở sơ chế, chế biến các loại dược liệu để tạo tiền đề hình thành ít nhất 01 chuỗi sản xuất dược liệu; thu hút được ít nhất 01 doanh nghiệp có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

- Sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp 5% vào GRDP của tỉnh.

b. Đến năm 2030:

- Tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha; trong đó diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây). Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

- Hình thành mới 05 cơ sở sản xuất nguồn giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu. Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng trồng dược liệu, thúc đẩy dịch vụ logistics, kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản và chế biến dược liệu.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

a. Quán triệt, tuyên truyền và phổ biến sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với việc đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

[...]