Quyết định 145/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”

Số hiệu 145/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/01/2022
Ngày có hiệu lực 11/01/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Thanh Nhàn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 145/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 11 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 839/TTr-STNMT ngày 07 tháng 12 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” (đính kèm Đề án).

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 của Quyết định;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT. Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở TN&MT (03 bản);
- LĐVP, P.KT;
- Lưu: VT, hdtan (01 bản).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Nhàn

 

ĐỀ ÁN

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 1
1/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Thời gian qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, kinh tế của tỉnh Kiên Giang đã có những chuyển biến tích cực. Đời sống của người dân ngày một cải thiện và nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và công nghiệp hóa không ngừng gia tăng, trong khi các giải pháp bảo vệ môi trường nói chung, chất thải rắn sinh hoạt nói riêng chưa đồng bộ, tỉnh Kiên Giang đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải. Lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, đặc biệt là các loại rác khó xử lý nhưng chưa được phân loại, thu gom, xử lý đáp ứng các yêu cầu theo quy định về bảo vệ môi trường. Tại các khu đô thị vẫn còn tình trạng vứt rác thải không đúng quy định ở các khu vực công cộng, chất thải sinh hoạt thải trực tiếp ra biển; tại các vùng nông thôn có nhiều nơi chưa có phương án thu gom, vận chuyển, xử lý rác, tình trạng xả rác ra ao, hồ, sông, rạch còn rất phổ biến gây mất cảnh quan sinh thái, ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân chính là do trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công nghệ và quy trình kỹ thuật xử lý đáp ứng được khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày, chủng loại rác cần được xử lý đạt quy chuẩn; phương tiện thu gom, vận chuyển chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và phân loại rác thải tại nguồn; công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đã được quan tâm nhưng chưa đúng mức, có lúc mang tính hình thức nên hiệu quả chưa cao; vai trò của các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ; lực lượng cán bộ làm công tác quản lý môi trường cấp huyện và xã còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ; ý thức trách nhiệm và nhận thức của người dân về công tác thu gom, xử lý rác thải chưa cao.

Những nguyên nhân nêu trên là trở ngại lớn trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của tỉnh. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống, cơ chế trong công tác quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo rác thải phải được thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt theo đúng quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 01 năm 2022, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh.

Để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh tổ chức xây dựng “Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022 - 2025 định hướng đến năm 2030”, trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác quản lý chất thải rắn trong thời gian qua, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm cho các sở, ngành, đoàn thể, UBND các cấp và tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

[...]