Quyết định 1422/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 1422/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/06/2021
Ngày có hiệu lực 14/06/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sóc Trăng
Người ký Vương Quốc Nam
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1422/QĐ-UBND

Sóc Trăng, ngày 14 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Công văn số 180/BTNMT-KHTC ngày 12/01/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (nguồn vốn sự nghiệp);

Căn cứ Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 07/8/2013 của Tỉnh ủy Sóc Trăng thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (Tờ trình số 1215/TTr-STNMT ngày 02/6/2021).

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Biến đổi khí hậu;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Báo ST, Đài PT-TH tỉnh;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Quốc Nam

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1422/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng)

Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà nhân loại đang phải đối diện với mức độ tác động và sự ảnh hưởng ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra; đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc gia; theo đó, nếu mực nước dâng 1m, thì 38,9% diện tích đất của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực của Việt Nam và Thế giới.

Tỉnh Sóc Trăng nằm cuối nguồn sông Hậu, tiếp giáp biển Đông với 72 km bờ biển, điều kiện địa hình khá thấp so với mực nước biển nên trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; trong đó, biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, lốc xoáy diễn ra thường xuyên, triều cường gây ngập úng và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp,... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương, chính sách, nỗ lực và quyết tâm trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Kế hoạch hành động) với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xác định được các thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; từ đó, đưa ra các giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng tiếp cận chủ động, linh hoạt thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và cam kết của Việt Nam trong đóng góp do quốc gia tự quyết định nhằm bảo vệ khí hậu trái đất theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; hình thành ý thức cho mỗi người dân trong xã hội về việc chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành được xây dựng, cập nhật, bổ sung phải tính đến tác động của biến đổi khí hậu.

- Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường tự nhiên và các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; từ đó, xác định các giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp trên các ngành, lĩnh vực và địa phương.

- Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý và chủ động phòng, chống, hạn chế các tác động của triều cường, sạt lở, ngập úng, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng, giảm phát thải khí nhà kính.

- Đề xuất các giải pháp và danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai thực hiện nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua các chương trình, đề án, dự án thích ứng cụ thể ở mỗi ngành, lĩnh vực và khu vực nhằm đạt được mục tiêu thích ứng chung của tỉnh và của từng ngành.

[...]