CHƯƠNG
TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 142/2006/QĐ-UBND ngày
16 tháng 01 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
Đã
hơn 20 năm trôi qua kể từ khi Vi rút gây ra suy giảm miễn dịch ở người (HIV) lần
đầu tiên được xác định là nguyên nhân gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc
phải (AIDS), bệnh đã được ghi nhận ở hầu hết các nước đang phát triển và các nước
công nghiệp. Tính đến cuối năm 2005, ước tính trên toàn thế giới có 40,3 triệu
người bị nhiễm HIV đang còn sống, 4,9 triệu người mới nhiễm trong năm và 3,1
triệu người tử vong do AIDS trong năm.
Bệnh
AIDS đã và đang gây ra những tổn thất to lớn ngày một gia tăng đối với loài người,
nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, sự
phát triển kinh tế - xã hội và nòi giống của con người.
Để
đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, khống chế sự lây lan của đại dịch,
giảm tác động của đại dịch HIV/AIDS tới sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày
17/3/2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg về việc phê
duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm
nhìn 2020; Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 54-CT/TW ngày
30/11/2005 về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình
hình mới, nhằm huy động toàn xã hội tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS, xem
nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và lâu dài.
Thực
hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số
36/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương
trình hành động thực hiện chiến lược phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 trên địa
bàn tỉnh như sau:
Phần
I
CĂN CỨ XÂY DỰNG
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
I. Đặc điểm tình hình dịch HIV/AIDS:
Tỉnh
Thừa Thiên Huế phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1993 tại Thành
phố Huế. Tính đến ngày 30/10/2005 lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh
là 479 trường hợp trong đó 161 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 127 trường
hợp đã tử vong do AIDS. Riêng trong năm 2005, toàn tỉnh phát hiện 78 trường hợp
mới nhiễm HIV, 21 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 15 trường hợp
tử vong do AIDS.
Tình
hình lây nhiễm HIV/AIDS ở Thừa Thiên Huế có tốc độ lây nhiễm chậm hơn so với
các tỉnh trong toàn quốc. Tuy nhiên, so sánh qua các năm và phân tích số trường
hợp nhiễm mới cho thấy tình hình dịch tễ học HIV/AIDS ở Thừa Thiên Huế có những
đặc điểm sau:
-
Đối tượng nhiễm mới phát hiện ngày càng nhiều (từ năm 1993 - 1999 phát hiện dưới
20 trường hợp/năm, năm 2000 phát hiện 24 trường hợp, đặc biệt từ năm 2000 trở
đi số người nhiễm phát hiện được trên 50 trường hợp/năm, đặc biệt năm 2005 đã
phát hiện 91 trường hợp nhiễm HIV.
-
Nhiễm HIV phát hiện ở mọi lứa tuổi trong đó tỷ lệ thanh niên bị nhiễm HIV có xu
hướng ngày càng gia tăng (tỷ lệ người nhiễm HIV ở độ tuổi 20-29 tăng từ 20% năm
1998 lên 50,5% năm 2005).
-
Ngày càng phát hiện nhiều trường hợp nhiễm HIV ở các đối tượng đi làm ăn xa
(trước năm 1995 không phát hiện trường hợp nào, đến năm 2005 phát hiện 08 trường
hợp).
-
Phạm vi lây nhiễm không chỉ tập trung ở thành phố, thị trấn, mà đã lan rộng về
vùng nông thôn (trước năm 1997 chỉ có thành phố Huế và huyện Hương Thuỷ phát hiện
người nhiễm HIV, đến năm 2005 đã có 7/9 huyện, thành phố phát hiện người nhiễm
HIV).
-
Đối tượng nhiễm HIV chủ yếu là qua đường tiêm chích ma tuý, (53,2% người nhiễm
HIV thuộc đối tượng tiêm chích ma tuý) nhưng số đối tượng lây nhiễm qua quan hệ
tình dục có xu hướng gia tăng (tỷ lệ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục từ
29,2% năm 2000 đã tăng lên 60% năm 2005).
-
Đối tượng nhiễm HIV không chỉ đơn thuần là ma tuý, mại dâm mà đã lan sang các đối
tượng khác trong cộng đồng (toàn tỉnh đã phát hiện 10 trường hợp trẻ em dưới 13
tuổi bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang)
-
Tỷ lệ người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và tỷ lệ tử vong do AIDS cao
(tính đến cuối năm 2005 có 4,48% trường hợp nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn
AIDS và 3,26% người nhiễm HIV đã tử vong do AIDS).
II. Ước tính và dự báo: Dự báo trong những
năm tới dịch HIV/AIDS sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có các biện pháp can thiệp.
III. Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống
HIV/AIDS:
l.
Công tác quản lý và chỉ đạo:
a) Về tổ chức:
-
Tháng 11/1990, Ủy ban phòng chống AIDS của tỉnh được thành lập với 13 thành
viên do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch và các thành viên là đại diện lãnh
đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.
-
Năm 1995, Ủy ban phòng chống AIDS được thành lập ở 9/9 huyện, thành phố.
-
Tháng 4 năm 1997, tỉnh đã kiện toàn Uỷ ban phòng chống AIDS tỉnh và thành lập Bộ
phận thường trực của Uỷ ban phòng chống AIDS tỉnh.
- Năm
2001, thành lập khoa AIDS thuộc Trung tâm Y tế dự phòng nhằm tăng cường năng lực
hoạt động chuyên sâu về phòng chống AIDS trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là chăm
sóc, tư vấn người nhiễm tại cộng đồng.
-
Tháng 4 năm 2002, đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy và mại dâm
tỉnh gồm 18 thành viên do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, giúp việc cho
ban chỉ đạo có các bộ phận: Bộ phận thường trực phòng, chống AIDS là Sở Y tế, Bộ
phận thường trực phòng, chống ma túy là Công an tỉnh, Bộ phận thường trực
phòng, chống tệ nạn mại dâm là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ phận tổng
hợp là Văn phòng HĐND và UBND tỉnh (nay là Văn phòng UBND tỉnh) nhằm nâng cao
năng lực tham mưu, quản lý các chương trình ưu tiên cấp quốc gia này.
Từ
năm 2000 đến nay toàn tỉnh đã có 51 xã phường có ban phòng chống AIDS, 100% xã
phường có đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện.
b) Về chỉ đạo:
UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các hoạt động theo hướng dẫn của trung ương và
của tỉnh với sự tham mưu của Sở Y tế là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo PC
AIDS, ma tuý và mại dâm.
2.
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông:
Hoạt
động truyền thông trong thời gian qua đã được triển khai tích cực với sự tham
gia của hầu hết các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và quần
chúng nhân dân. Công tác truyền thông được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng,
phong phú về nội dung... đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân về phòng
chống HIV/AIDS.
3.
Công tác phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng:
Trong
thời gian qua, cơ quan thường trực về phòng chống HIV/AIDS (Sở Y tế) đã phối hợp
với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, lồng ghép tuyên truyền phòng chống
HIV/AIDS với các hoạt động của các đơn vị địa phương và các cuộc vận động quần
chúng...qua đó, đã phát huy được vai trò hạt nhân của đội ngũ tình nguyện viên
trong nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhất là đối với các đối tượng xã hội
có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao. Đã triển khai nhiều lớp tập huấn về chuyên
môn kỹ thuật, tổ chức nhiều buổi giao ban, sinh hoạt khoa học cũng như các hội
nghị, hội thảo. Hàng năm tổ chức tốt hai tháng chiến dịch truyền thông nhân
ngày ban hành Pháp lệnh phòng, chống AIDS (31/5) và ngày thế giới phòng, chống
AIDS (01/12).
4.
Các hoạt động chuyên môn y tế:
-
Công tác an toàn truyền máu và an toàn qua các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội: Bảo
đảm 100% chai máu được sàng lọc HIV trước khi truyền; chưa phát hiện trường hợp
nào bị lây nhiễm HIV do truyền máu; các hoạt động kiểm tra việc triển khai các
biện pháp an toàn phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở y tế Nhà nước và y tế
tư nhân được thực hiện thường xuyên.
-
Công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn và điều trị bệnh nhân: Đã quản lý hơn 90%
người nhiễm HIV có địa chỉ rõ ràng tại Thừa Thiên Huế.
-
Tổ chức các hoạt động giám sát dịch tễ học: Hàng năm thực hiện tốt các chỉ tiêu
giám sát trọng điểm và giám sát phát hiện HIV... nên đã theo dõi, đánh giá kịp
thời và cụ thể xu hướng phát triển của dịch.
5.
Hợp tác quốc tế:
Đã
tranh thủ được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như: UNAIDS, Trung tâm kiểm
soát bệnh tật Hoa kỳ (CDC), DFID...đối với công tác phòng chống HIV/AIDS như
đào tạo năng lực cho đội ngũ nhân viên phòng chống AIDS, thực hiện các chương
trình can thiệp đích vào các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao (bao gồm tư
vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giáo dục đồng
đẳng...)
IV. Một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống
HIV/AIDS:
-
Công tác Thông tin - Giáo dục - Truyền thông còn hạn chế, chưa đến với hầu hết
các nhóm đối tượng nguy cơ cao, nhất là các đối tượng rất cần được thông tin
như người sử dụng ma túy, đối tượng có quan hệ mại dâm, người đi làm ăn xa...
-
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể vẫn chưa coi công tác phòng chống
HIV/AIDS là nhiệm vụ thường xuyên của địa phương, đơn vị. Việc phối hợp lồng
ghép chương trình phòng chống HIV/AIDS với các chương trình kinh tế - xã hội,
các phong trào và các cuộc vận động quần chúng tuy có nhiều chuyển biến tích cực,
nhưng còn lúng túng về nội dung, hình thức, cơ chế phối hợp...
-
Tổ chức mạng lưới và bộ máy phòng chống HIV/AIDS chưa ổn định, ở tuyến huyện và
tuyến cơ sở hệ thống tổ chức chưa đồng bộ, đội ngũ cán bộ và cộng tác viên còn
thiếu về số lượng, hầu hết kiêm nhiệm và chưa được đào tạo cơ bản các kiến thức
về phòng chống HIV/AIDS.
-
Các hoạt động can thiệp giảm tác hại cho các đối tượng có nguy cơ cao, người
nhiễm HIV/AIDS cũng như việc tổ chức chăm sóc người nhiễm tại gia đình và cộng
đồng mới đang triển khai ở dạng thí điểm.
-
Các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm đang có xu hướng gia tăng trong
khi hiệu quả các giải pháp cai nghiện và hoàn lương cho các đối tượng này lại rất
thấp và còn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết vấn đề đời sống kinh tế và việc
làm.
-
Kinh phí giành cho công tác phòng chống AIDS còn hạn chế so với nhu cầu; chưa
có giải pháp tích cực và cơ chế thích hợp để huy động sự đóng góp của cộng đồng,
nhất là các doanh nghiệp cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS.
V. Những ưu tiên của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong
thời gian tới:
-
Kiện toàn bộ máy phòng chống HIV/AIDS, tăng cường năng lực cho công tác phòng
chống HIV/AIDS.
-
Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông và giáo dục chuyển đổi hành vi.
-
Đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại trong nhóm ma tuý, mại dâm.
- Tăng
cường tư vấn, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS.
Phần
II
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS Ở THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2010
I. Quan điểm chỉ đạo:
-
HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối nguy cơ thật sự đối với tỉnh Thừa Thiên
Huế, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, trật tự và an toàn
xã hội của địa phương. Do đó, phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm
vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài, cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và đẩy
mạnh việc huy động toàn xã hội tham gia.
-
Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư góp phần tạo ra sự phát triển
bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp và gián tiếp.
-
Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS, tăng cường trách
nhiệm của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và của người nhiễm HIV/AIDS
với gia đình, xã hội.
-
Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các tổ chức, các lĩnh vực tại địa
phương để làm tốt công tác phòng chống HIV/AIDS .
II. Mục tiêu chiến lược phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010:
1.
Mục tiêu chung: Khống chế tỷ lệ nhiễm
HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010; giảm tác hại của
HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
2.
Mục tiêu cụ thể:
-
100% các huyện, thành phố Huế, xã, phường, thị trấn; 100% các ban, ngành, đoàn
thể và tổ chức xã hội có liên quan trên toàn tỉnh đưa hoạt động phòng, chống
HIV/AIDS trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển
kinh tế - xã hội tại các đơn vị và địa phương.
-
Nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: 100% nhân dân
khu vực thành thị và 80% ở khu vực nông thôn, miền núi hiểu đúng và biết cách dự
phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
-
Khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ các nhóm có nguy cơ cao ra cộng đồng thông qua
các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại; 100% các huyện, thành phố Huế triển
khai các hoạt động khuyến khích sử dụng bao
cao su và các hoạt động giảm tác hại trong nhóm có nguy cơ cao.
-
90% người lớn nhiễm HIV/AIDS, 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV/AIDS, 100% trẻ
em bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng do HIV/AIDS được quản lý, điều trị, chăm sóc và
tư vấn thích hợp; 70% bệnh nhân AIDS được điều trị bằng các thuốc điều trị đặc
hiệu.
-
Hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình phòng,
chống HIV/AIDS, 100% xét nghiệm HIV tuân thủ quy định tư vấn xét nghiệm tự nguyện.
-
Ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế: bảo đảm 100% các đơn vị máu
và chế phẩm máu được sàng lọc HIV trước khi truyền ở tất cả các tuyến; 100% cơ
sở y tế thực hiện đúng qui định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm
HIV/AIDS.
-
Thành lập Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, tăng cường đào tạo cán bộ,
nâng cao năng lực về phòng chống HIV/AIDS.
III. Các giải pháp chủ yếu:
1.
Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham
gia của các ban, ngành, đoàn thể xã hội đối với công tác phòng chống HIV/AIDS:
-
Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể tăng cường chỉ đạo và giám sát
công tác phòng chống HIV/AIDS; xem công tác phòng chống HIV/AIDS là một trong
những nhiệm vụ quan trọng của các ngành, các cấp, các địa phương.
-
Tạo sự đồng thuận giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong việc triển khai
các hoạt động giảm tác hại.
-
Tăng cường các hoạt động chống phân biệt đối xử; huy động người bị nhiễm
HIV/AIDS và gia đình họ tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS.
-
Nâng cao năng lực phòng chống HIV/AIDS ở tuyến cơ sở, chuyển các nội dung công
tác, các hướng dẫn về cơ sở, tạo mọi điều kiện để tuyến cơ sở làm tốt công tác
phòng chống HIV/AIDS. Gắn công tác phòng chống HIV/AIDS với phòng chống ma tuý,
mại dâm vào các phong trào thi đua yêu nước, vào cuộc vận động ''Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ''.
2.
Thông tin giáo dục và truyền thông:
-
Xây dựng chiến lược truyền thông hướng vào các tầng lớp nhân dân; nội dung truyền
thông cần tập trung vào những nội dung mang tính hướng dẫn, định hướng thay đổi
hành vi và các biện pháp thực hiện hành vi an toàn phòng chống HIV/AIDS trong
cuộc sống hàng ngày của người dân, cũng như chăm sóc, điều trị người nhiễm
HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng...với các hình thức ngắn gọn, thiết thực, dễ
hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo và có tính hấp dẫn cao, nhất là đối với đối tượng ở
nông thôn và miền núi.
-
Duy trì và tăng cường tuyên truyền trên đài truyền hình, đài phát thanh, đài
truyền thanh, báo chí…; đồng thời, đa dạng hóa các loại hình truyền thông khác
như bản tin, thông báo ở xã, phường, thị trấn các cụm pa nô ở các trục đường
giao thông và ở các khu vực đông dân cư.
-
Thường xuyên cung cấp thông tin và tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ phóng
viên, cộng tác viên và các cán bộ tuyên truyền của các cấp các ngành.
-
Chú trọng công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS thông qua các loại hình
văn hóa, nghệ thuật; tổ chức các cuộc thi sáng tác, hội diễn, hội thi tìm hiểu...về
phòng chống HIV/AIDS.
-
Tổ chức tốt các đợt chiến dịch truyền thông phòng chống HIV/AIDS để huy động sự
tham gia của các cấp, các ngành và cộng đồng.
-
Tăng cường công tác tuyên truyền cho đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh
viên và đặc biệt là những thanh niên ngoài trường học, những người ở độ tuổi
lao động không có việc làm, những người hay đi làm ăn xa ở những địa phương
khác dễ có nguy cơ tham gia vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm.
-
Khuyến khích phát triển mô hình tiếp cận cộng đồng như hình thức sinh hoạt câu
lạc bộ chuyên đề phòng chống HIV/AIDS hoặc lồng ghép các nội dung phòng chống HIV/AIDS
vào các câu lạc bộ chuyên đề khác; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên và cộng
tác viên các ngành các cấp và tăng cường in ấn những tài liệu truyền thông như
tờ gấp, sổ tay hướng dẫn các biện pháp phòng chống HIV/AIDS.
-
Tăng cường tổ chức mạng lưới và hoạt động tiếp cận tư vấn tại cộng đồng. Chú trọng
các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
3.
Tăng cường công tác phòng chống AIDS trong lĩnh vực y tế:
-
Mở rộng hoạt động tư vấn và xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS tại các cơ sở y tế
huyện, thành phố Huế.
-
Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện; đảm bảo sàng lọc
100% túi máu trước khi truyền cho bệnh nhân.
-
Thực hiện triệt để các quy định về an toàn phòng lây nhiễm HIV qua các dịch vụ
y tế và thẩm mỹ tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân.
-
Tăng cường công tác quản lý và giám sát các bệnh lây truyền qua đường tình dục
và bệnh lao, chẩn đoán và điều trị sớm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường
tình dục. Đẩy mạnh các hoạt động dự phòng việc lây nhiễm các bệnh qua đường
tình dục.
-
Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ người nhiễm HIV tại cộng
đồng. Tiếp tục nhân rộng mô hình huy động các tổ chức xã hội tham gia vào công
tác này.
-
Triển khai dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con và cho những người bị phơi nhiễm với
HIV: Nâng cao nhận thức của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về nguy cơ lây nhiễm
HIV và khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường năng lực cho hệ thống
làm công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường các hoạt động dự
phòng sớm để phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; chăm sóc trẻ bị nhiễm
HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV.
-
Chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân AIDS ở các cơ sở y tế
tuyến huyện, thành phố.
4.
Mở rộng các hoạt động can thiệp giảm tác hại cho các nhóm đối tượng có hoặc dễ
có hành vi nguy cơ cao:
-
Chú trọng can thiệp các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như: Phạm nhân của trại
giam và trại viên của trại giáo dưỡng; nhóm mại dâm, ma túy và các đối tượng có
nguy cơ tham gia hoạt động mại dâm; các đối tượng đi làm ăn xa (người của
địa phương đi nơi khác và người của nơi khác tới làm việc tại địa
phương).
-
Tăng cường tiếp cận, tuyên truyền để các đối tượng này hiểu rõ và thực hiện tốt
chương trình cai nghiện và hoàn lương, đây là một công việc khó khăn, cần phải
có sự phối hợp chặt chẽ với chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc
làm. Trước mắt, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV ở các đối tượng này, cần
triển khai các giải pháp tình thế như cung cấp, trao đổi bơm kim tiêm cho nhóm
nghiện chích ma túy và khuyến khích việc sử dụng và cung cấp bao cao su cho
nhóm mại dâm.
5.
Mở rộng các phạm vi nghiên cứu, nâng cao năng lực ứng dụng các kết quả nghiên cứu,
những kinh nghiệm tốt về phòng chống HIV/AIDS vào thực tiễn:
-
Đẩy mạnh việc nghiên cứu về kiến thức - thái độ - hành vi về HIV/AIDS trong các
tầng lớp nhân dân.
-
Nghiên cứu xu hướng phát triển và mối quan hệ tác động của HIV/AIDS đối
với sự phát triển kinh tế xã hội.
-
Nghiên cứu, lượng giá và phát triển các chương trình can thiệp giảm tác hại đối
với các nhóm nguy cơ cao.
-
Khuyến khích đầu tư nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc Đông y trong việc nâng
cao thể lực và kéo dài thời gian sống của người nhiễm HIV/AIDS.
-
Định kỳ tổ chức các hội nghị và hội thảo khoa học để trao đổi kinh nghiệm giữa
các địa phương, đơn vị, nhằm nhân rộng các mô hình tốt trong lĩnh vực phòng chống
HIV/AIDS.
6.
Củng cố công tác tổ chức, đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao năng lực cho đội
ngũ làm công tác phòng chống HIV/AIDS:
-
Kiện toàn bộ máy và mạng lưới phòng, chống AIDS từ tỉnh đến huyện, thành phố,
xã, phường, thị trấn; xây dựng và tăng cường hoạt động mạng lưới tình nguyện
viên, cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở.
-
Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong việc triển khai các hoạt động phòng
chống HIV/AIDS.
-
Nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách của các ngành, các cấp
thông qua tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn tại tỉnh và tổ chức tham quan học
tập các mô hình hoạt động phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả ở các địa phương
khác, tham gia các lớp tập huấn, hội nghị trong nước và quốc tế.
7.
Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống HIV/AIDS:
-
Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài về kiến
thức, kinh nghiệm và nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS trên nguyên tắc
tuân thủ đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Khuyến khích các
địa phương, đơn vị đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế trên lĩnh vực
phòng chống HIV/AIDS...
-
Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới của nước bạn Lào để cùng giải quyết vấn
đề liên quan tới việc lan truyền HIV/AIDS.
-
Nâng cao chất lượng và hiệu quả của 2 dự án phòng chống HIV/AIDS đang triển
khai: Dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS (LIFE-GAP) và Dự án Phòng lây nhiễm HIV
(DFID).
IV. Phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện:
1.
Sở Y tế: Cơ quan thường trực phòng chống
HIV/AIDS có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình hành động
phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2010; phối hợp các ban, ngành là thành
viên của Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm của tỉnh và
các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức chỉ đạo, triển khai các nội dung
của Chương trình hành động trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Chỉ
đạo các cơ quan phòng, chống HIV/AIDS các cấp, các Ban phòng, chống HIV/AIDS ở
các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong
Chương trình hành động; theo dõi, giám sát việc thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng
kết và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế
theo quy định.
2.
Uỷ ban nhân dân các huyện và thành phố Huế:
Có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện nội dung Chương trình
hành động phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2010 trên địa
bàn huyện, thành phố. Xây dựng và xác lập các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS
trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thành phố. Ngoài nguồn
ngân sách cấp, các địa phương chủ động đầu tư ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất
cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung chỉ đạo triển khai các biện
pháp can thiệp giảm thiểu tác hại bao gồm chương trình bơm kim tiêm sạch,
chương trình bao cao su dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức tốt việc chăm sóc,
điều trị hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.
3.
Sở Văn hoá - Thông tin: Chủ trì, phối hợp
với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể, Uỷ
ban nhân dân các huyện, thành phố, chỉ đạo cơ quan thông tin các cấp đẩy mạnh
công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng lây nhiễm
HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh. Tập trung đưa thông tin đến người dân vùng
sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đưa thông tin tiếp cận với các nhóm đối
tượng có hành vi nguy cơ cao.
4.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp
với các Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai chương trình
giáo dục kiến thức và huấn luyện kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS vào trong chương
trình đào tạo của các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục dạy
nghề và phổ thông phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng.
5.
Đại học Huế: Tổ chức triển khai chương
trình giáo dục kiến thức và huấn luyện kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS vào chương
trình đào tạo của các trường Đại học.
6.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Chịu
trách nhiệm bố trí và cấp kịp thời kinh phí cho các hoạt động của chương trình
phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch ngân sách được phân bổ hàng năm. Tích cực
huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho công tác phòng, chống
HIV/AIDS.
7.
Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo Đài
phát thanh các cấp đưa các thông tin về dự phòng, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS
thành nội dung thường xuyên của chương trình phát sóng. Xây dựng các chuyên mục,
chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS, chủ động đầu tư kinh phí cho việc xây dựng
và phát sóng các chương trình về phòng, chống HIV/AIDS.
8.
Các ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo
phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý và mại dâm của tỉnh có trách nhiệm
chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS theo
chức năng, nhiệm vụ được giao và theo đặc thù của đơn vị mình; chủ động đầu tư
ngân sách cho công tác này.
9.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng các đoàn thể chính trị- xã hội tham gia triển khai thực hiện Chương trình hành động này
trong phạm vi hoạt động của mình.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH