Quyết định 239/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Số hiệu 239/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/01/2013
Ngày có hiệu lực 16/01/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Đăng Quyền
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 239/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 16 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 608/2012/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Xét Tờ trình số 2411/TTr- SYT ngày 28/12/2012 của Sở Y tế về việc xin Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tỉnh Thanh Hóa" ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các ngành: Y tế, Công an, Lao động, Thương binh Xã hội; các ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các ngành và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Thực hiện Quyết định số 608/QĐ-TTg Ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tình hình dịch HIV/AIDS và công tác phòng, chống tại Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012 đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 gồm các nội dung cơ bản sau:

Phần I

CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH DỊCH HIV/AIDS TẠI THANH HÓA

Tính từ tháng 11/1995 - khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm HIV cho đến ngày 30/11/2012, Thanh Hóa đã có 6.067 người nhiễm HIV, trong đó có 3.380 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 994 trường hợp tử vong do AIDS và liên quan; 1.846 bệnh nhân AIDS đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Dịch HIV/AIDS đã xuất hiện ở cả 27/27 huyện, thị, thành phố với 554/637 (87%) xã, phường, thị trấn. Thành phố Thanh Hóa, huyện Quan Hóa, Mường Lát, Thọ Xuân là nơi có số người nhiễm HIV/AIDS luỹ tích được phát hiện cao nhất (TP Thanh Hóa: 1.673 người; Quan Hóa: 589 người; Thọ Xuân: 414 người; Mường Lát: 396 người).

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực phòng, chống AIDS qua các năm cho thấy dịch HIV/AIDS vẫn ở giai đoạn tập trung. Người nhiễm HIV chủ yếu liên quan đến tiêm chích ma túy, chiếm gần 70% tổng số người nhiễm HIV phát hiện được; tiếp theo là nhóm phụ nữ bán dâm và các nhóm đối tượng khác. Phân bố nhiễm HIV cũng rất đa dạng: Thất nghiệp và nghề khác chiếm 69,2%, công nhân (4,3%); nông dân (17,4%); giáo viên, viên chức nhà nước (1,1%); quân đội, công an (0,4%) tổng số người nhiễm phát hiện; điều đó chứng tỏ dịch đã có dấu hiệu lan ra cộng đồng. Nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa (15 đến 29 tuổi chiếm gần 50%; 30 đến 39 tuổi chiếm gần 40% tổng số trường hợp nhiễm HIV phát hiện); nam giới chiếm hơn 80% số nhiễm, nhưng nhiễm HIV ở phụ nữ, bà mẹ mang thai đang có xu hướng tăng...

Trong 5 năm gần đây, các chương trình can thiệp phòng, chống HIV/AIDS được triển khai một cách đồng bộ và có hệ thống; Luật phòng, chống HIV/AIDS và các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước cho người nhiễm HIV là những nấc thang pháp lý ủng hộ người nhiễm HIV/AIDS; Các cơ sở tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT) đã khuyến khích được rất nhiều đối tượng nguy cơ cao đến xét nghiệm HIV. Người nhiễm cũng đã ý thức được sức khỏe bệnh tật của mình, công khai danh tính để được điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú (OPC). Công tác chuyển gửi bệnh nhân từ phòng VCT sang OPC tốt. Vì vậy, số nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS được phát hiện trong giai đoạn từ 2006 đến 2009 tăng cao đột biến (600-700 người nhiễm/năm).

Hiệu quả kìm chế sự phát triển dịch nhận thấy được từ số liệu nhiễm HIV mới phát hiện và tử vong do AIDS bắt đầu giảm năm 2010-2012. Số liệu giám sát trọng điểm cũng thể hiện chiều hướng giảm trong các nhóm người có nguy cơ cao: Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy từ ở 25% đến 32,2% trong suốt thời gian từ năm 2001 đến 2007; giảm xuống còn 19,85 (năm 2008), 17,0% (năm 2010), 16,3% (năm 2011) và gần 11% năm 2012; giảm nhẹ ở nhóm gái mại dâm (4%). Tỷ lệ nhiễm cũng giảm đáng kể ở đồng bào dân tộc Thái 16 đến 49 tuổi (3,3% năm 2006 xuống 1% năm 2012) tại hai huyện Quan Hóa và Lang Chánh..

Tuy nhiên diễn biến của dịch vẫn còn phức tạp: Tỷ lệ nhiễm trong nhóm nghiện chích ma tuý giảm dần qua các năm là do hiệu quả của các Dự án, đặc biệt là hoạt động can thiệp giảm tác hại thực hiện từ năm 2006, nhưng tỷ lệ này vẫn cao hơn ở một số huyện miền núi như Quan Hóa, Mường Lát (> 50%). Theo số liệu của Công an tỉnh và Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, số lượng người NCMT toàn tỉnh vẫn tiếp tục tăng: năm 2007 có 2.929 người nghiện ma túy; năm 2010 có 4.044 người và đến tháng 6/2012 có 5.395 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong khi, theo báo cáo cập nhật của Trung tâm Y tế 27 huyện, thị, thành phố đến tháng 8/2010 là 8,462 NCMT, năm 2012 là 11.012 người. Tệ nạn mại dâm vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi dưới nhiều hình thức trá hình. Trước thực trạng đó, cần có những giải pháp tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống một cách có hiệu quả.

II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS

1. Công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành:

1.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành văn bản của tỉnh:

[...]