Quyết định 36/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 36/2004/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/03/2004
Ngày có hiệu lực 10/04/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số: 36/2004/QĐ-TTg 

Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 31 tháng 5 năm 1995;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 (bản kèm theo) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm:

a) HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc. HIV/AIDS tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội của quốc gia. Do đó, phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài, cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động toàn xã hội tham gia;

b) Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội trực tiếp và gián tiếp. Nhà nước bảo đảm việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2010 và sau 2010 phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh  tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn;

c) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS, tăng cường trách nhiệm của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội;

d) Việt Nam cam kết thực hiện các Điều ước quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS đã ký kết hoặc gia nhập. Bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế;

đ) Tăng cường hợp tác song phương, đa phương, mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống HIV/AIDS;

e) Các hoạt động ưu tiên đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới là:

Tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi; phối hợp với các chương trình khác để ngăn ngừa, giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS;

Đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại;

Tăng cường tư vấn, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS;

Tăng cường năng lực quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá chương trình.

2. Mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010:

a) Mục tiêu chung:

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau 2010; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể:

100% các đơn vị, địa phương trên cả nước, đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị và địa phương;

Nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: 100% nhân dân khu vực thành thị và 80% ở khu vực nông thôn, miền núi hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS;

Khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng thông qua việc triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại: thực hiện các biện pháp can thiệp đối với tất cả các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS; 100% tiêm chích an toàn và sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục có nguy cơ;

Bảo đảm người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị thích hợp: 90% người lớn nhiễm HIV/AIDS, 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV/AIDS, 100% trẻ em bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được quản lý, điều trị, chăm sóc và tư vấn thích hợp, 70% bệnh nhân AIDS được điều trị bằng các thuốc điều trị đặc hiệu;

Hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS: 100% tỉnh, thành phố có khả năng tự đánh giá và tự dự báo về diễn biến của nhiễm HIV/AIDS ở địa phương, 100% xét nghiệm HIV tuân thủ quy định tư vấn xét nghiệm tự nguyện;

Ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế: bảo đảm 100% các đơn vị máu và chế phẩm  máu được sàng lọc HIV trước khi truyền ở tất cả các tuyến; 100% cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

3. Tầm nhìn 2020:

[...]