ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1406/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 10 tháng 4 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ
DOANH NHÂN CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2019 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Chương trình hành động số
19-CTrHĐ/TU ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 6252/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch thực
hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X về Chương trình
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 -
2020;
Căn cứ Quyết định số 2183/QĐ-UBND
ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt kế hoạch thực
hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân của thành phố Hồ Chí
Minh giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
tại Tờ trình số 997/TTr-SNV ngày 21 tháng 3 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực
hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân của thành phố Hồ Chí
Minh giai đoạn 2019-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám
đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc
Sở Công Thương, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Thủ trưởng các cơ sở đào tạo
và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND/TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư (4b);
- Sở Nội vụ (4b);
- VPUB: CVP, các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu: VT, (VX/Đ/n).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Lê Thanh Liêm
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN CỦA THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2019 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1406/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
Căn cứ Quyết định số 6252/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch thực
hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2183/QĐ-UBND
ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Kế
hoạch thực hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
doanh nhân của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020;
Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế
hoạch thực hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân của thành phố
Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2020 như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao trình độ quản lý, chuyên
môn, kỹ thuật, nhận thức chính trị, bồi dưỡng lòng yêu nước,
ý chí độc lập, tự chủ của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp các ngành kinh tế
trọng yếu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập
quốc tế sâu rộng. Xây dựng đội ngũ doanh nhân, nhà quản lý doanh nghiệp có
trình độ quốc tế, có năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp thích ứng với
môi trường liên kết và hợp tác toàn cầu.
2. Chỉ tiêu cụ thể
Trong giai đoạn 2019 - 2020, dự kiến
tổ chức đào tạo, bồi dưỡng khoảng trên 27.687 lượt học viên tham gia, trong đó:
chỉ tiêu chưa thực hiện năm 2017 là 4.887 lượt học viên, chỉ tiêu chưa thực hiện
năm 2018 là 7.200 lượt học viên, chỉ tiêu thực hiện giai đoạn 2019 - 2020 là
15.600 lượt học viên, cụ thể gồm các lớp sau:
- Lớp khởi sự doanh nghiệp: khoảng
11.591 lượt học viên.
- Lớp quản trị doanh nghiệp: khoảng
11.501 lượt học viên.
- Lớp đào tạo chuyên ngành: khoảng
4.595 lượt học viên.
II. ĐỐI TƯỢNG ĐÀO
TẠO
Đối tượng thuộc Chương trình đào tạo,
bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2020
bao gồm:
- Nhân sự quản lý các tổng công ty,
công ty trực thuộc.
- Đội ngũ nhân sự quản lý cao cấp của
các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố.
- Đội ngũ doanh nhân trong các doanh
nghiệp cổ phần hóa.
III. PHẠM VI VÀ NỘI
DUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
1. Phạm vi đào tạo, bồi dưỡng
Phạm vi đào tạo gồm: đào tạo khởi sự
doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và đào tạo theo chuyên ngành.
2. Nội dung đào tạo
Nội dung đào tạo được xây dựng dựa
trên các chuyên đề chính quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư liên tịch số
04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 8 năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ
Tài chính về hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh
nghiệp nhỏ và vừa và các hình thức đào tạo mở rộng quy định tại Quyết định số
6252/QĐ-UBND và Quyết định số 2183/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố.
2.1. Về đào tạo khởi sự doanh nghiệp
a) Tập trung đào tạo nhóm đối tượng
trẻ để phát huy khả năng sáng tạo trong khởi sự doanh nghiệp.
b) Đào tạo những kỹ năng cần thiết
cho quá trình khởi sự doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế như: Đánh
giá ý tưởng, sản phẩm, phương pháp nghiên cứu thị trường, hoàn thiện sản phẩm;
lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh; bồi dưỡng năng lực cạnh tranh toàn cầu;
cung cấp thông tin cần thiết về luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước, những
quy định về thành lập và hoạt động doanh nghiệp; các vấn đề đạo đức kinh doanh
và trách nhiệm xã hội nhằm hướng đến mục tiêu góp phần xây dựng đội ngũ doanh
nhân trẻ tài năng, làm giàu và phát triển bền vững doanh nghiệp. Bên cạnh đó,
trong chuỗi chương trình khởi sự doanh nghiệp, bổ sung các nội dung đào tạo
dành riêng cho đối tượng cơ sở sản xuất nhỏ, các mô hình kinh doanh cá thể, hộ
gia đình, mô hình phát huy ngành nghề truyền thống, nông nghiệp... để phát triển
lên mô hình doanh nghiệp trẻ tại các khu vực ngoại thành nhằm gia tăng năng lực
cạnh tranh, năng lực sáng tạo trong tư duy làm kinh tế cho các đối tượng trẻ.
c) Các chương trình đào tạo khởi sự
doanh nghiệp sẽ gắn với thực tế việc đánh giá, phát hiện những ý tưởng, mô hình
kinh doanh hiệu quả để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, kết nối, trợ giúp về vốn
ưu đãi, vốn đầu tư, tạo điều kiện cơ sở vật chất cho các nhà sáng lập doanh
nghiệp có mô hình kinh doanh đột phá, sáng tạo, khả thi.
2.2. Về đào tạo quản trị doanh nghiệp
Tập trung đào tạo nâng cao năng lực
cho đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch và quản lý hoạt động
sản xuất - kinh doanh; tăng cường năng lực quản lý nhân sự; đào tạo cho nhân sự
của các doanh nghiệp về các kiến thức cụ thể như: kế toán, nhân sự,
marketing...; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý và giải pháp tiết kiệm năng
lượng trong các ngành công nghiệp và dân dụng; đào tạo áp dụng Hệ thống quản lý
chất lượng quốc tế, pháp chế tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; đào tạo Quản
trị viên tài sản trí tuệ và các chuyên đề mở rộng; Chương trình hỗ trợ doanh
nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế chế tạo và chuyển giao công nghệ,
thiết bị mới.
2.3. Về các chương trình đào tạo theo chuyên ngành
a) Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực: tập
trung hỗ trợ về phương pháp thiết kế, phần mềm thiết kế, công nghệ chế tạo, thiết
bị gia công công nghệ cao, thiết bị tự động hóa... và các vấn đề kỹ thuật khác
cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng.
b) Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ
năng khai thác, sử dụng thông tin khoa học và công nghệ. Đào tạo chuyên sâu về
các kỹ năng kinh doanh, xuất nhập khẩu thông qua các hình thức huấn luyện, hội
thảo, trong đó các doanh nghiệp được cung cấp và cập nhật kiến thức, thông tin
về các thị trường xuất khẩu mới, kỹ năng thâm nhập thị trường, các kỹ năng cần
thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu, kiến thức về pháp luật, nâng cao nghiệp vụ
hải quan, lý thuyết cơ bản về công tác xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp,
thực hành các quy trình xây dựng thương hiệu và sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp...
Chú trọng nâng cao kỹ năng nghiên cứu, phân tích, tìm kiếm thông tin thị trường,
thâm nhập thị trường.
c) Triển khai các chương trình đào tạo
giám đốc điều hành theo chuẩn quốc tế (có thể hợp tác với
Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hoặc các trường đại học, cơ sở đào tạo có uy
tín ở nước ngoài).
2.4. Đào tạo mở rộng
a) Tăng cường giao lưu, chia sẻ, học
tập kinh nghiệm trong và ngoài nước:
- Tổ chức các buổi giao lưu, hội thảo
quốc tế; mời các chuyên gia, doanh nhân, giảng viên nước ngoài nổi tiếng, có
kinh nghiệm và uy tín để trao đổi, chia sẻ kiến thức; tạo mối liên kết và hệ thống
nhằm hỗ trợ và phát triển lực lượng doanh nghiệp thành phố hội nhập quốc tế
nhanh và bền vững.
- Tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị,
hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm khởi sự và quản trị doanh nghiệp nhằm
xây dựng mạng lưới thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức, doanh
nghiệp và các nhà quản lý; tạo cơ hội cho học viên, người tham gia có cơ hội
trình bày ý kiến và tạo dựng mạng lưới hoạt động, chia sẻ nguồn lực, kiến thức
theo từng nhóm ngành, lĩnh vực.
b) Hợp tác, liên kết đào tạo dài hạn:
Ngoài các chương trình đào tạo ngắn hạn,
các đơn vị đào tạo liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước
tổ chức các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ về quản trị kinh doanh theo
hướng tiên tiến, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập
quốc tế cho đội ngũ doanh nhân thành phố.
IV. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Kinh
phí thực hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân của thành phố
Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2020 dự kiến là 46.341.000.000 đồng (Bốn
mươi sáu tỷ ba trăm bốn mươi mốt triệu đồng); trong đó: Ngân sách thành phố hỗ
trợ 50% tổng kinh phí thực hiện chương trình, phần còn lại các cơ sở đào tạo sẽ
vận động nguồn lực xã hội và học viên đóng góp (Phụ lục đính kèm).
Khuyến khích đa dạng hóa và xã hội
hóa, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia, phối hợp thực hiện các
chỉ tiêu của Chương trình
2. Các cơ
quan, đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi,
xã hội hóa, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách của các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện tốt nội dung Kế hoạch, đồng thời
góp phần tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế
hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở
Tài chính, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch thực hiện
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội
ngũ doanh nhân của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2020.
- Giao Trung tâm tư vấn đấu thầu và hỗ
trợ đầu tư (trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức thực hiện việc lựa chọn
đơn vị đào tạo đáp ứng yêu cầu của Chương trình và theo quy định của pháp luật
về đấu thầu; ký kết hợp đồng; theo dõi, giám sát quá trình tổ chức đào tạo của
các đơn vị được lựa chọn; thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí sau
khi hoàn thành.
- Trên cơ sở các báo cáo tổng hợp của
các đơn vị đào tạo về đánh giá năng lực học viên sau đào tạo, phối hợp với Sở Nội
vụ, Sở Tài chính, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá kết
quả và chất lượng đào tạo, sự phát triển của học viên sau đào tạo; phát huy vai
trò học viên trong công tác và nâng cao uy tín của Chương trình.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài
chính, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan theo dõi quá trình tổ chức thực
hiện chương trình, tổng hợp báo cáo sơ kết năm về tình hình thực hiện Chương
trình, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, khắc phục các hạn chế (nếu
có), đề xuất giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực
hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
2. Sở Nội vụ
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư
triển khai thực hiện Kế hoạch. Trên cơ sở báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng
hợp kết quả thực hiện Kế hoạch này vào Báo cáo sơ kết, tổng kết của Chương
trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư
theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình vào Quý IV năm 2019 và năm
2020, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố tháo gỡ các khó
khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
3. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư
triển khai thực hiện Kế hoạch trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban
nhân dân thành phố phân công.
- Chịu trách nhiệm thẩm định, trình Ủy
ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện Kế
hoạch trong năm 2019 và năm 2020.
4. Sở Công Thương
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư
triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả
thực hiện Chương trình, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố
tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình.
5. Trung tâm tư vấn đấu thầu và hỗ
trợ đầu tư:
- Tổ chức thực hiện việc lựa chọn đơn
vị đào tạo đáp ứng yêu cầu của Chương trình và theo quy định của pháp luật về đấu
thầu; ký kết hợp đồng; theo dõi, giám sát quá trình tổ chức đào tạo của các đơn
vị được lựa chọn; thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí sau khi hoàn
thành.
- Sử dụng kinh phí được Ủy ban nhân
dân thành phố bố trí dự toán năm 2019 để tiếp tục thực hiện triển khai công tác
của các gói thầu đã tổ chức đấu thầu thành công trong năm 2018 và chuẩn bị ký kết
hợp đồng.
- Tổ chức thực hiện việc phê duyệt kế
hoạch lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đơn vị đào tạo theo quy định của pháp luật về
đấu thầu đối với phần chỉ tiêu còn lại của Chương trình giai đoạn 2016 - 2020
như Kế hoạch đã đề ra.
- Xây dựng dự toán thực hiện chương
trình; gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí đủ
kinh phí nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu đào tạo của Chương trình giai đoạn 2019 -
2020 theo quy định.
6. Các đơn vị đào tạo
- Chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo
theo đúng yêu cầu của Kế hoạch. Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các hồ sơ thanh
quyết toán theo quy định.
- Theo dõi và quản lý học viên theo
đúng quy định pháp luật; kịp thời báo cáo quá trình và kết quả học tập của học
viên theo định kỳ và sau khi kết thúc khóa học để theo dõi, đánh giá chất lượng.
- Tổ chức cho học viên đánh giá chất
lượng đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của chương trình. Chịu trách nhiệm liên hệ
với các tổ chức, doanh nghiệp đã cử học viên tham dự các khóa đào tạo để tổng hợp
kết quả đánh giá sự tiến bộ của học viên sau đào tạo và gửi báo cáo cho Sở Kế
hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp chung vào kết quả thực hiện Chương trình.
- Báo cáo kết quả thực hiện Chương
trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân hàng năm gửi Sở Kế hoạch
và Đầu tư (thông qua Trung tâm tư vấn
đấu thầu và hỗ trợ đầu tư) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân thành phố.
7. Trách nhiệm học viên và đơn vị,
tổ chức cử nhân sự tham gia học tập
- Học viên tham gia đào tạo theo
Chương trình có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của lớp
học và bồi hoàn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đã được hỗ trợ (nếu có) trong trường
hợp không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc không đạt kết quả theo yêu cầu.
- Các doanh nghiệp, tổ chức liên quan
có các đối tượng thuộc Phần II của Kế hoạch này phối hợp với các cơ sở đào tạo,
bồi dưỡng để cử người tham gia các lớp học theo chương trình đã đăng ký và có
trách nhiệm quản lý, theo dõi, phản hồi các đề nghị (của
các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng) về đánh giá sự tiến bộ của học viên trong suốt quá trình học tập và sau khi hoàn thành
khóa đào tạo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, lãnh đạo các sở - ngành liên quan, các đơn vị trực tiếp tổ chức
đào tạo kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu
tư) đê xem xét, giải quyết./.