Quyết định 1404/QĐ-UBND năm 2011 ban hành chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011-2015 do tỉnh An Giang

Số hiệu 1404/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/08/2011
Ngày có hiệu lực 18/08/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1404/QĐ-UBND

An Giang, ngày 18 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2011-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Kế hoạch số 18-KH/TU ngày 14/10/2008 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn";

Căn cứ Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thực hiện kế hoạch hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 134/TTr-SNN&PTNT ngày 27 tháng 7 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Chương trình Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; VP Chính phủ;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh (để báo cáo);
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Phòng: KT, XDCB, TH, VHXH, NC;
-
Lưu: VT.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2011-2015

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1404/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH:

Trong giai đoạn 2006 – 2010, cùng với sự phát triển chung của cả nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn An Giang đã đạt được những thành tựu khá toàn diện: (1) Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá, do đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nên năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao; giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh; (2) Nông thôn đã có bước khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung xây dựng, củng cố, nâng cấp; (3) Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện; công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm thu được nhiều kết quả quan trọng; hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, quyền dân chủ được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.

Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần được giải quyết, đó là: sự phát triển về kiến trúc, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn phần lớn còn tự phát, thiếu định hướng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông thôn còn chậm; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong nông thôn chiếm tỷ trọng thấp; nông nghiệp phát triển thiếu bền vững; năng suất lao động thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống; chất lượng giáo dục, y tế phát triển chưa tương xứng trước yêu cầu đổi mới. Tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo còn cao, một số nông dân còn thiếu việc làm và có thu nhập chưa ổn định; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức tương đối cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vùng sâu vùng xa và biên giới. Hơn nữa, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, một bộ phận nông dân mất đất sản xuất, mất việc làm, một bộ phận khó có khả năng tiếp cận những lợi ích do công nghiệp tạo ra. Khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp xã hội, giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và đồng bằng ngày càng gia tăng, tình hình đó đặt ra yêu cầu bức xúc phải tập trung tạo bước phát triển mới về nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của người dân; phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển sản xuất và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả trong nông thôn; phát triển văn hóa - xã hội, môi trường và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nông thôn, góp phần xây dựng một nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và văn minh, kết hợp giải quyết tốt các vấn đề về xã hội và môi trường.

II. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH:

- Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

[...]