Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 24/KH-UBND thực hiện Kế hoạch hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 24/KH-UBND
Ngày ban hành 24/11/2008
Ngày có hiệu lực 24/11/2008
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Long Xuyên, ngày 24 tháng 11 năm 2008

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động số 18-KH/TU ngày 14/10/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ; với nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU:

1- Mục tiêu chung:

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông, thủy sản hàng hóa, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô lớn phát triển toàn diện, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

- Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và người lao động.

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn; tạo bước đột phá mới trong việc nâng cao trình độ dân trí, đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần hộ dân vùng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ở các xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%. Tập trung chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội huyện miền núi, dân tộc để có sự chuyển biến nhanh hơn, hiệu quả hơn, giảm dần khoảng cách tiến tới phát triển hài hòa giữa các vùng nông thôn, giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bào dân tộc thiểu số và người kinh; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo các điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn, dần tiến tới mức các đô thị trung bình.

2- Mục tiêu cụ thể:

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 2 năm (2009-2010) đạt 14,5%/năm; trong đó khu vực 1 (nông, lâm, thủy sản) tăng 3,59%/năm, khu vực 2 (công nghiệp - xây dựng) tăng 20%/năm, khu vực 3 (dịch vụ - thương mại) tăng 18,07%/năm, để bình quân giai đoạn (2006-2010) đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,19%/năm (trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 4,16%/năm). Giai đoạn (2011 - 2020) đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 11 - 12%/năm (trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3 - 3,5%/năm).

- Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, thương mại. Phấn đấu đến năm 2010, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 15,49% (ước 2008: 11,70%), khu vực dịch vụ - thương mại chiếm 59,7% (ước 2008: 53,27%), khu vực nông, lâm, thủy sản còn 24,81% (ước 2008: 35,04%). Đến năm 2020, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 20,23%, khu vực dịch vụ - thương mại chiếm 68,82%, khu vực nông, lâm, thủy sản còn 11,15%.

- Thu nhập GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 21,95 triệu đồng/năm (tương đương 1.291 USD), tăng 1,5 lần so năm 2008 (ước 2008: 14,3 triệu đồng) và đến năm 2020 tăng gấp 2 lần so năm 2010.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 phấn đấu đạt 1.000 triệu USD; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn (2006 - 2010) là 24%/năm. Đến năm 2020 giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 2 lần so năm 2010.

- Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 đạt trên 30%, trong đó số lao động qua đào tạo nghề đạt 23%; đến năm 2020 đạt trên 50%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 40%.

- Chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động cho các ngành kinh tế khác; đến năm 2010, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 54% (ước 2008 còn 61,3%) và đến năm 2020 còn khoảng 40% lao động xã hội.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia 2005) còn 3,5% vào năm 2010 (2008: 7,0%).

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU:

1- Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa phát triển toàn diện, bền vững:

Phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, thủy sản hàng hóa theo hướng tập trung chuyên canh và đa dạng hóa sản phẩm; trong đó chú trọng khai thác các sản phẩm có lợi thế như: lúa gạo, thủy sản, rau quả.

1.1- Về sản xuất trồng trọt:

- Sử dụng có hiệu quả diện tích đất trồng lúa, tập trung đầu tư thâm canh tăng vụ, tăng diện tích gieo trồng và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm; phấn đấu sản lượng lương thực bình quân năm đạt tối thiểu trên 3 triệu tấn; tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân trên 01 ha đất canh tác đến năm 2010 đạt 60 triệu đồng/ha (2008 đạt gần 40 triệu đồng/ha) và đến năm 2020 đạt 70 triệu đồng/ha.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng diện tích trồng hoa màu, cây trồng khác có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, phù hợp với lợi thế của từng vùng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường; đến năm 2010 diện tích gieo trồng hoa màu, cây trồng khác đạt 66 ngàn ha (tăng 3,6 ngàn ha so năm 2008) và đến năm 2020 đạt 85 ngàn ha (tăng 22,3 ngàn ha so năm 2008).

- Đầu tư thâm canh tăng vụ cả vùng đồng bằng và vùng núi, khai thác triệt để lợi thế mùa nước nổi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó phát triển ổn định diện tích sản xuất vụ 3 vùng đồng bằng từ 70 - 90 ngàn ha/năm, thực hiện xả lũ theo chu kỳ để bồi dưỡng đất đai, bảo vệ môi trường. Đồng thời thâm canh tăng vụ diện tích đất ruộng trên và diện tích đất đồng bằng vùng cao huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, cụ thể như sau:

+ Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao theo quy hoạch để thâm canh tăng vụ diện tích đất ruộng trên; phấn đấu đến năm 2012 tăng từ 1 vụ sản xuất lúa mùa lên 2 - 3 vụ/năm, với tổng diện tích 3.886 ha (Tịnh Biên: 1.600 ha, Tri Tôn: 2.286 ha), nâng tổng diện tích được khai thác: 5.221/7.675 ha đất ruộng trên (TB: 2.400/4.600 ha, TT: 2.821/3.075 ha); diện tích còn lại 2.454 ha (TB: 2.200 ha, TT: 254 ha) bố trí sản xuất lúa mùa đặc sản.

+ Thâm canh tăng vụ trên diện tích đất co bưng, đất đồng bằng huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; trên cơ sở quy hoạch đầu tư xây dựng trạm bơm điện, hệ thống thủy lợi nội đồng, kiện toàn đê bao kiểm sóat lũ. Phấn đấu đến năm 2015 phát triển mới diện tích sản xuất vụ 3 đạt 15.990 ha (TB: 5.950 ha, TT: 10.040 ha, trong đó có 2.252 ha đất co bưng); nâng tổng diện tích sản xuất vụ 3 đạt 17.749 ha (TB: 7.709 ha, TT: 10.040 ha).

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất nấm rơm, nấm bào ngư và các loại nấm khác, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là hộ nghèo; phấn đấu năm 2009 đạt tổng DTGT mô trên 2 ngàn ha và đến năm 2010 đạt trên 3,1 ngàn ha, với tổng sản lượng trên 31 ngàn tấn.

[...]