Quyết định 1400/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1400/QĐ-TTg
Ngày ban hành 18/08/2015
Ngày có hiệu lực 18/08/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1400/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, GIA ĐÌNH, THỂ DỤC THỂ THAO VÀ DU LỊCH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ VÀ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 27-KL/TW ngày 02 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), bao gồm 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và vị thế của Vùng, với đầu tàu là Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, tạo sức lan tỏa và góp phần thúc đẩy thị trường văn hóa, hoạt động thể dục thể thao và du lịch của cả nước và các địa phương phát triển.

2. Tăng cường liên kết nội Vùng trên cơ sở xác định lợi thế của từng địa phương để tạo trọng tâm và đột phá phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; chú trọng hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN để đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Vùng bền vững.

3. Đa dạng hóa các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; trong đó ưu tiên cho các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Phát triển văn hóa, thể dục thể thao của Vùng toàn diện, hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; phát triển du lịch Vùng thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, hiện đại và có sức cạnh tranh; xây dựng được các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển Vùng trở thành một trung tâm dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch lớn của cả nước.

1. Về văn hóa, gia đình

a) Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật và công tác gia đình lớn của cả nước; có thị trường mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn phát triển mạnh đứng đầu cả nước. Phát triển mạng lưới dịch vụ văn hóa nghệ thuật tại các đô thị lớn trong Vùng làm đầu mối liên kết Vùng với các vùng khác trong cả nước.

Phát triển trục văn hóa Đông - Tây nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển văn hóa, nghệ thuật giữa các địa phương trong Vùng; giữa khu vực miền núi phía Tây với khu vực đồng bằng ven biển, hải đảo phía Đông; giữa Vùng với các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông; mở rộng và đẩy mạnh quan hệ ngoại giao văn hóa với các quốc gia, các vùng lãnh thổ khác.

b) Ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của Vùng, trước hết là các di sản thế giới, di tích cấp quốc gia đặc biệt tiêu biểu. Từng bước hoàn thành tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích trong Vùng từ nay đến 2020 và 2030. Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các bảo tàng hiện có và xây dựng thêm bảo tàng mới, hiện đại.

c) Nâng cao chất lượng hoạt động Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

d) Củng cố và đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ và hiện đại, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hoàn thiện và nâng cấp các trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn quy định; 60% - 80% các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm văn hóa - thể thao, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.

đ) Đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh tại các tỉnh, thành phố trong Vùng. Phấn đấu đến năm 2020 và định hướng đến 2030, xây dựng mới được từ 04 - 05 phim trường, trường quay, 01 Trung tâm chiếu phim hiện đại tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số rạp chiếu phim tại các tỉnh, thành phố; nâng cấp, cải tạo hệ thống rạp chiếu phim hiện có. Xây dựng điện ảnh Vùng trở thành nền điện ảnh mạnh trong khu vực.

e) Đẩy mạnh phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của cả nước; bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống như Đờn ca tài tử, Cải lương, Hát bội...; chú trọng tổ chức các sự kiện nghệ thuật biểu diễn hiện đại có chất lượng cao; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho các nhà hát, rạp hát, nhà triển lãm hiện có. Đến năm 2030, xây dựng mới 01 nhà hát tổng hợp quốc gia, 01 nhà triển lãm quốc gia (Thành phố Hồ Chí Minh).

g) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các thư viện. Phấn đấu tỷ lệ thư viện huyện đạt chuẩn là 60% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030; hoàn thành việc nâng cấp 08 thư viện tỉnh, thành phố hiện có; xây dựng thêm thư viện mới phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong Vùng. Chú trọng xây dựng văn hóa đọc gắn với hệ thống giáo dục phổ thông và sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới.

[...]