Quyết định 2054/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2054/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/11/2014
Ngày có hiệu lực 13/11/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2054/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, GIA ĐÌNH, THỂ DỤC THỂ THAO VÀ DU LỊCH VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung (sau đây gọi là Vùng) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch Vùng phù hợp với các Chiến lược, Quy hoạch về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch của cả nước; bảo đảm thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và các Chiến lược, Quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan.

2. Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế về các giá trị văn hóa, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên biển đảo của các địa phương trong Vùng; tăng cường liên kết giữa các địa phương để tạo ra sự đột phá trong phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch của Vùng.

3. Phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch Vùng bền vững, hài hòa với phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

4. Đa dạng hóa các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy và nâng cao vai trò của cộng đồng trong phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

II. MỤC TIÊU

Phát triển văn hóa theo hướng toàn diện, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng gia đình văn hóa, hòa thuận, hạnh phúc; phát triển sâu rộng thể dục thể thao quần chúng, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hình thành những sản phẩm du lịch biển đảo và du lịch di sản có thương hiệu, sức cạnh tranh cao với các mục tiêu cụ thể sau đây:

1. Về văn hóa, gia đình

a) Phát triển thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật và gia đình cho khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia và quốc tế; thành phố Quy Nhơn (Bình Định) trở thành trung tâm văn hóa phía nam của Vùng, có sự liên kết chặt chẽ với khu vực Tây Nguyên.

b) Ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới, di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa tiêu biểu đặc trưng của các địa phương và các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đề cử Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận Nghệ thuật Bài Chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2015; công nhận từ 02 đến 03 di sản văn hóa tiêu biểu của Vùng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2030.

c) Phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như: Tuồng, Ca Huế, Bài chòi; tổ chức các sự kiện như: Liên hoan Múa quốc tế, Festival võ thuật cổ truyền Việt Nam, Festival di sản, Festival pháo hoa quốc tế để trở thành thương hiệu văn hóa - nghệ thuật của Vùng.

d) Đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2020, có 90% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; trên 80% số làng, bản, thôn, ấp được công nhận danh hiệu làng, bản, thôn, ấp văn hóa; có 95% số cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa; số vụ bạo lực gia đình giảm trung bình 10% - 15%/năm.

đ) Củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ và hiện đại tại các đô thị đóng vai trò động lực phát triển Vùng. Phấn đấu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xây dựng mới Bảo tàng mỹ thuật (Đà Nẵng), Bảo tàng lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa (Quảng Ngãi), Thư viện khoa học tổng hợp cấp vùng (Đà Nẵng), Trung tâm giao lưu và biểu diễn nghệ thuật (Thừa Thiên - Huế), 06 rạp chiếu phim, 01 Trung tâm văn hóa tỉnh; hoàn thành việc đầu tư nâng cấp các bảo tàng cấp tỉnh và 05 rạp chiếu phim hiện có trong Vùng; xây dựng hoàn thành 01 Trường quay và 01 Trung tâm biểu diễn xiếc và tạp kỹ của Vùng.

e) Xây dựng thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp và vùng cửa khẩu biên giới, các huyện đảo. Phấn đấu đến năm 2020, 100% số khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó 80% số khu công nghiệp tập trung (đã đi vào hoạt động) xây dựng được trung tâm văn hóa - thể thao phục vụ công nhân, người lao động.

g) Mở rộng, nâng cấp các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật và du lịch của Vùng. Phấn đấu đến năm 2030, Vùng có 01 trường Đại học văn hóa nghệ thuật.

[...]