Quyết định 1396/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến 2030”

Số hiệu 1396/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/05/2015
Ngày có hiệu lực 25/05/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Đặng Huy Hậu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 1396/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 25 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2015-2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030”.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ “về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Căn cứ Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Căn cứ Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 08/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành chương trình hành động thực hiện đề án Tái có cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 01/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Tờ trình số 658/TTr-SNN&PTNT ngày 27 tháng 3 năm 2015, Văn bản số 1138/NN&PTNT- KHTC ngày 18/5/2013.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án), với các nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm và mục tiêu

1. Quan điểm

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng;

- Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống;

- Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ làm khâu đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch; Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn;

- Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư (đặc biệt là nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp) đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đẩy nhanh Chương trình nông thôn mới, trên tinh thần “lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy thành thị dẫn dắt nông thôn” và “cộng đồng dân cư là chủ thể chương trình” nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, chung sức xây dựng nông thôn mới; Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động.

- Đảm bảo phát huy vai trò quản lý, tạo lập môi trường, thể chế của Nhà nước và sự tham gia của các thành phần kinh tế, chú trọng với các doanh nghiệp và hợp tác xã;

- Phát huy và sử dụng mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả và bền vững;

- Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu cần được đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với thay đổi của thực tế.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Ninh một cách bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường nhằm: (1) Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; (2) Cải thiện đời sống của nông dân các vùng nông thôn và giảm nghèo bền vững; (3) Bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả với chất lượng sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Khai thác tốt tiềm năng, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, giảm nghèo bền vững, gắn với thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2020.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất ngành đạt tốc độ tăng bình quân 6 - 8%/năm giai đoạn đến năm 2020, đạt 13.387,0 tỷ đồng (giá so sánh 2010) vào năm 2020:

+ Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) đạt 6.335,0 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân trên 6,4%/năm. Đạt giá trị 23.100,0 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 32,14% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp;

[...]