Quyết định 156/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Số hiệu 156/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/02/2014
Ngày có hiệu lực 06/02/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Lê Thanh Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 06 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2020 THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003.

Cán cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 18/TTr-SNN ngày 20 tháng 01 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (có Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội (để giám sát);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh; các Đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, PCVP Tổng hợp;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- Lưu: VT, (TA009).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Dũng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2020 THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(Kèm theo Quyết định số: 156/QĐ-UBND ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Để triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020

1. Phương hướng:

- Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản) tỉnh Bạc Liêu theo cơ chế thị trường, đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận; gắn phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp với bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững; đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu dài; đồng thời, chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn; nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho cư dân nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển nông thôn mới văn minh, giàu đẹp.

- Tập trung khai thác và tận dụng tối đa lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như tôm và các loại hải sản khác; lúa gạo và các loại rau, quả nhiệt đới,... ; đồng thời, duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng tiểu vùng đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ nội địa lớn nhung khả năng cạnh tranh trung bình như các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm.

- Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế, nhất là tập trung hỗ trợ về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cung cấp thông tin, dịch vụ.

- Tổ chức lại sản xuất và tích cực chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông, ngư dân, nhất là việc chuyển giao các giống mới, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng yêu cầu tăng nhanh giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

- Tạo điều kiện, phát huy vai trò của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng; nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

- Tăng thu nhập cho người sản xuất trên cơ sở tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhóm người nghèo và cận nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer tham gia vào quá trình tăng trưởng nông, lâm, ngư, diêm nghiệp thông qua hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ duy trì sản xuất và thu nhập, tăng khả năng tiếp cận thị trường phi nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho cư dân nông thôn.

- Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực, đánh giá tác động qua lại và tranh chấp tiềm năng giữa các lựa chọn trong khai thác tài nguyên để sử dụng hợp lý tài nguyên (đất đai, nguồn nước, lao động, vốn đầu tư, khoa học và công nghệ, ...); giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường do việc khai thác các nguồn lực cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tăng cường áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến và làng nghề; khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, nâng tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm, góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn môi trường kèm theo cơ chế giám sát chặt chẽ để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh.

2. Mục tiêu:

- Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 5,63%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 5,47%/năm.

[...]