Nghị quyết 01/2015/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015-2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Số hiệu 01/2015/NQ-HĐND
Ngày ban hành 22/04/2015
Ngày có hiệu lực 24/04/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Ngọc Căng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2015/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 04 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2015-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA XI - KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 30/TTr-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2015 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015-2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND tỉnh và ý kiến đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015-2020, với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm, mục tiêu, định hướng tái cơ cấu:

a) Quan điểm tái cơ cấu:

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển các ngành liên quan.

Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, người dân và doanh nghiệp là chủ thể của quá trình tái cơ cấu.

Quy hoạch và tổ chức thực hiện các dự án về công nghiệp chế biến và vùng nguyên liệu phải gắn bó chặt chẽ và tương thích với nhau.

Chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả để đạt được các mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp.

Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế.

b) Mục tiêu tái cơ cấu:

Đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4%/năm;

Phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha canh tác cây ngắn ngày đến năm 2020 đạt trên 65 triệu đồng. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2020 chiếm 45%.

Phát triển lâm nghiệp: tăng độ che phủ rừng lên 50% vào năm 2015 và 52% giai đoạn 2016-2020; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do phá rừng tự nhiên và tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 150.000 tấn/năm - 160.000 tấn/năm; cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng dần số tàu có công suất 400CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ.

Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 90%.

c) Định hướng tái cơ cấu:

- Tái cơ cấu trồng trọt:

+ Nhóm cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến: tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu: cây mì, cây mía để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

+ Nhóm cây đặc sản: Tập trung phát triển thương hiệu cây tỏi Lý Sơn, cây quế Trà Bồng thành hàng hóa đặc sản chủ lực, sản phẩm đa dạng, phong phú hấp dẫn thị trường trong nước và thế giới, tạo ra giá trị gia tăng cao.

- Tái cơ cấu chăn nuôi: Chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt ở đồng bằng, chăn nuôi trâu theo hướng thịt ở miền núi. Chú trọng phát triển đàn lợn theo hướng nạc và chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học để cung cấp sản phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và trong nước. Ưu tiên phát triển chăn nuôi ở quy mô trang trại, gia trại; hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ, gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Tái cơ cấu lâm nghiệp: Chú trọng trồng cây gỗ lớn (cây bản địa) trên cơ sở bố trí cơ cấu lại tỷ lệ các loại cây trồng một cách hợp lý để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái của rừng; đẩy mạnh phát triển trồng rừng sản xuất thành một ngành kinh tế có vị thế quan trọng đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng.

- Tái cơ cấu thủy sản: Giảm khai thác ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; xác định sản phẩm chính của khai thác biển là cá biển và sản phẩm chính nuôi trồng là con tôm. Tăng sản lượng khai thác phải đồng bộ với tăng các dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến tiêu thụ.

[...]