Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 138/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 138/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/08/2007
Ngày có hiệu lực 17/09/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 138/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHO BẠC NHÀ NƯỚC ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Tờ trình số 52/TTr-BTC ngày 27 tháng 6 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 với những nội dung cơ bản sau:

I. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Kho bạc Nhà nước hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ Chính phủ; tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước trên cơ sở thực hiện tổng kế toán nhà nước. Đến năm 2020, các hoạt động Kho bạc Nhà nước được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử.

II. Nội dung Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020     

1. Quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước

a) Gắn kết quản lý quỹ với quy trình quản lý ngân sách nhà nước từ khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách thông qua cải cách công tác kế toán ngân sách nhà nước, hoàn thiện chế độ thông tin, báo cáo tài chính;

b) Thống nhất quản lý các quỹ tài chính nhà nước theo hướng phản ánh và hạch toán kế toán đầy đủ trong hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc; các khoản thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước đều được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán tập trung của Kho bạc Nhà nước;

c) Hiện đại hoá quản lý thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước theo hướng đơn giản về thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho các đối tượng nộp thuế. Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin điện tử tiên tiến vào quy trình quản lý thu ngân sách nhà nước với các phương thức thu nộp thuế hiện đại, bảo đảm xử lý dữ liệu thu ngân sách nhà nước theo thời gian thực thu;

d) Đổi mới công tác quản lý, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước trên cơ sở xây dựng cơ chế, quy trình quản lý, kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế để vận hành hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc; thực hiện kiểm soát chi theo kết quả đầu ra, theo nhiệm vụ và chương trình ngân sách; thực hiện phân loại các khoản chi ngân sách nhà nước theo nội dung và giá trị để xây dựng quy trình kiểm soát chi hiệu quả trên nguyên tắc quản lý theo rủi ro; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; có chế tài xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức sai phạm hành chính về sử dụng ngân sách nhà nước;

Thống nhất quy trình và đầu mối kiểm soát các khoản chi của ngân sách nhà nước, bao gồm các khoản chi từ nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài, các khoản chi ngân sách nhà nước phát sinh ở trong và ngoài n­ước;

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi, bảo đảm đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát,… tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử;

đ) Đổi mới công tác thống kê thu, chi quỹ ngân sách nhà nước; xác định rõ nội dung các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phù hợp với chuẩn mực quốc tế về kế toán công và thống kê tài chính Chính phủ theo mẫu của IMF.

2. Quản lý ngân quỹ và nợ Chính phủ

a) Đổi mới công tác quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước nhằm quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước an toàn và hiệu quả; thực hiện mô hình thanh toán tập trung theo hướng Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thanh toán tập trung tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương để quản lý tập trung ngân quỹ của toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước; phát triển hệ thống các công cụ phục vụ công tác quản lý ngân quỹ và quản lý nợ Chính phủ;

 b) Thực hiện tốt vai trò quản lý nợ thông qua kế toán đầy đủ, toàn diện qua Kho bạc Nhà nước các khoản nợ, nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ và chính quyền các cấp (bao gồm cả nợ trong nước, ngoài nước) theo nguyên tắc, thông lệ quốc tế;

Đổi mới cơ chế, phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch và hoạt động theo nguyên tắc thị trường; gắn với sự phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán; liên kết và hội nhập với thị trường trái phiếu khu vực và quốc tế.

c) Thực hiện mô hình Kho bạc chuyên quản lý ngân quỹ, quản lý nợ Chính phủ với chức năng cơ bản là xây dựng các kế hoạch huy động vốn ngắn hạn và trung hạn, tổ chức huy động vốn trên thị trường, thực hiện quản lý ngân quỹ và luồng tiền, đầu tư ngân quỹ; thực hiện thanh toán, hạch toán, cung cấp thông tin, báo cáo liên quan đến công tác quản lý nợ Chính phủ và quản lý ngân quỹ.

3. Công tác kế toán nhà nước

a) Xây dựng hệ thống kế toán nhà nước thống nhất, hiện đại theo nguyên tắc dồn tích, phục vụ yêu cầu quản lý ngân sách và tài chính công bảo đảm tính công khai, minh bạch;

b) Phát triển kế toán quản trị phục vụ cho yêu cầu phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, bảo đảm khả năng phân tích và tính toán được chi phí, hiệu quả của chi tiêu ngân sách nhà nước cũng như yêu cầu lập ngân sách trên cơ sở dồn tích;

c) Thực hiện hội nhập quốc tế về kế toán nhà nước, xây dựng chuẩn mực kế toán nhà nước phù hợp với hệ thống kế toán công;

d) Nghiên cứu, xây dựng mô hình Kho bạc Nhà nước thực hiện chức năng tổng kế toán nhà n­ước, theo hướng: là thành viên của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc gia; tổng hợp, xử lý dữ liệu kế toán từ tất cả các đơn vị thực hiện hệ thống kế toán nhà nước; chịu trách nhiệm công bố và cung cấp các số liệu kế toán, tình hình tài chính nhà nước; lưu trữ cơ sở dữ liệu kế toán tập trung.

4. Hệ thống thanh toán

[...]