BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
1323/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 06 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2014-2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP
ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg
ngày 19/04/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực
Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg
ngày 10/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông
nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số
2534/QĐ-BNN-TCCB ngày 26/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt
Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn
2011-2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2014-2020” (sau đây gọi
chung là nguồn nhân lực) gồm các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU
1. Quan điểm
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
vừa là yêu cầu vừa là nhiệm vụ, giải pháp để góp phần thực hiện có hiệu quả chủ
trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng nhấn mạnh trọng tâm là công tác đào tạo,
bồi dưỡng và xây dựng, thực hiện các cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng nguồn
nhân lực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, phù hợp với nguồn lực hiện có.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
là trách nhiệm của cả hệ thống bộ máy quản lý nhà nước ngành Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn. Bộ có chức năng hoạch định chủ trương, kế hoạch và các giải
pháp lớn; các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và chịu
trách nhiệm trước Bộ về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu ngành,
lĩnh vực và xây dựng nông thôn mới thuộc phạm vi quản lý.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
vừa phải đáp ứng yêu cầu phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
đến năm 2020 vừa phải coi trọng những giải pháp lâu dài để xây dựng một bộ phận
nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý đầu
ngành đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn
mới cho thời kỳ sau năm 2020.
2. Mục tiêu
Mục tiêu chung:
Xây dựng nguồn nhân lực trong toàn
ngành có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, tâm huyết với nghề nghiệp phục
vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Các mục tiêu cụ thể:
Phấn đấu đến năm 2020, các chỉ tiêu đào
tạo, bồi dưỡng cần đạt được như sau:
+ 100% công chức, viên chức được quản
lý thông qua tiêu chuẩn theo chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp
viên chức, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ.
+ 80% số kỹ thuật viên (tương đương với
68.000 người) được đào tạo, bồi dưỡng (được cấp chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề)
đáp ứng yêu cầu làm việc ở địa bàn nông thôn tham gia lĩnh vực cung ứng dịch vụ
kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
+ Khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn
được đào tạo trình độ sơ cấp nghề, kỹ thuật viên có chứng chỉ hành nghề.
+ 75% số cán bộ quản lý doanh nghiệp
nhà nước, gồm kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp
(tương đương với 9.750 người) được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn đáp ứng các tiêu
chí quy định.
+ 60% số cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ
hợp tác (tương đương với 81.600 người) được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn.
II. NỘI DUNG VÀ GIẢI
PHÁP
1. Nội dung
a) Nâng cao chất lượng đội ngũ
công chức
Nâng cao chất lượng tuyển dụng, xây dựng
điều kiện, tiêu chuẩn đối với công chức; xây dựng vị trí việc làm; áp dụng cơ
chế điều động, biệt phái, luân chuyển công chức trong hệ thống ngành.
Đào tạo, bồi dưỡng tiêu chuẩn (ngạch;
chức vụ lãnh đạo, quản lý), chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng theo quy định
chung, đồng thời xây dựng cơ chế đào tạo, bồi dưỡng công chức riêng của Bộ,
ngành thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đặc thù do các Cục, Tổng cục
quản lý chuyên ngành đề xuất.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, sử
dụng, đánh giá công chức trong hệ thống bộ máy quản lý nhà nước của Bộ, của
ngành.
b) Nâng cao chất lượng đội ngũ
viên chức
Nâng cao chất lượng tuyển dụng, xây dựng
điều kiện, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với từng lĩnh vực;
xây dựng vị trí việc làm.
Đào tạo, bồi dưỡng theo quy định
chung để đảm bảo tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng: đào tạo, bồi dưỡng
theo quy định chung, đồng thời xây dựng cơ chế đào tạo, bồi dưỡng viên chức
riêng của Bộ, ngành thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đặc thù do
các Cục, Tổng, Viện, Trường đề xuất.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, sử
dụng, đánh giá viên chức trong hệ thống bộ máy quản lý nhà nước và các đơn vị sự
nghiệp công lập của Bộ, của ngành.
c) Nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ
thuật viên
Xây dựng cơ chế quản lý nhà nước thống
nhất về tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, giám
sát, đánh giá đối với đội ngũ kỹ thuật viên đang trực tiếp làm việc ở địa bàn
nông thôn tham gia vào lĩnh vực cung ứng dịch vụ kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh
vật tư nông nghiệp, hỗ trợ quản lý nhà nước
d) Nâng cao chất lượng đào tạo nghề
cho lao động nông thôn
Thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nghề
nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày
23/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có lựa chọn trọng tâm, trọng điểm
như: đào tạo lao động nông thôn có trình độ sơ cấp nghề; kỹ thuật viên cần có
chứng chỉ hành nghề; tập huấn kỹ thuật cho lao động trực tiếp sản xuất nông
nghiệp; đào tạo lao động nông thôn có chứng chỉ nghề để đủ điều kiện hợp đồng
lao động với các doanh nghiệp nông nghiệp.
đ) Nâng cao chất lượng đội ngũ quản
lý doanh nghiệp nhà nước, gồm kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước tại
doanh nghiệp
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuẩn cho
kiểm soát viên và người đại diện phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp đáp
ứng các tiêu chí quy định; xây dựng quy định về chức trách, nhiệm vụ, cơ chế
giám sát, đánh giá đối với đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước.
e) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán
bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuẩn cho
các cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác; phát hiện, tổng kết các mô hình thực
tiễn về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ chức, liên kết sản xuất để phổ biến,
nhân rộng thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn phù hợp.
g) Xây dựng chính sách đặc thù về
đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực đối với một số lĩnh vực đang thiếu hụt và đào
tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính
sách đặc thù để đào tạo bổ sung nguồn nhân lực trình độ đại học cho một số lĩnh
vực đang thiếu hụt về nhân lực như khai thác hải sản xa bờ, cơ khí thủy sản, kiểm
ngư, xây dựng nông thôn; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo bồi dưỡng
nhân tài cho ngành.
2. Giải pháp thực
hiện
a) Nâng cao nhận thức về vị trí, tầm
quan trọng của nguồn nhân lực trước yêu cầu thực hiện chủ trương tái cơ cấu
nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nhận thức sâu sắc và đầy đủ về chức
năng, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong
hệ thống bộ máy quản lý của Bộ, của ngành đối với việc nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực thuộc phạm vi quản lý của từng cơ quan, đơn
vị.
b) Năm 2014 và năm 2015 tập trung xây
dựng thể chế quản lý của Bộ, ngành về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực,
trong đó quy định cụ thể về đối tượng, nội
dung, chương trình, tổ chức thực hiện, trách nhiệm quản lý của Bộ, của các cơ
quan, đơn vị thuộc Bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở xây dựng
và tổ chức thực hiện theo kế hoạch hàng năm. Đến hết năm 2015 100% cán bộ lãnh
đạo, quản lý của các cơ quan đơn vị đều được tham dự lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản
lý.
c) Nâng cao năng lực của các Trường
Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I, II của Bộ để đóng vai trò
chủ đạo trong việc đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý của
các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; phối hợp với các địa phương tổ chức đào tạo, bồi
dưỡng nguồn nhân lực chung của ngành thuộc thẩm quyền quản lý của cấp tỉnh, huyện.
Đồng thời lựa chọn một số trường trực thuộc Bộ tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ
đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thuộc phạm vi Đề án này.
d) Năm 2014 và năm 2015 tập trung xây
dựng thể chế của Bộ, ngành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tuyển dụng, quản
lý, sử dụng, đánh giá và chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với nguồn nhân
lực của ngành.
đ) Ưu tiên nguồn lực, đặc biệt là nguồn
lực tài chính trong kế hoạch ngân sách hàng năm để phục vụ công tác đào tạo, bồi
dưỡng nguồn nhân lực; thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất
tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường hợp tác quốc tế để
tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài cả về tài chính và các kiến thức mới về
khoa học công nghệ, quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
e) Đề xuất Chính phủ cơ chế chính
sách để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng đối với các lĩnh vực đang khó
khăn trong khâu tuyển sinh, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực “đầu vào” cho
ngành.
g) Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp
trong quá trình thực hiện.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Các Tổng cục, Cục, Thanh tra Bộ,
Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn kế hoạch, chương trình hành động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của
hệ thống thuộc phạm vi quản lý và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn: Chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực của ngành trên địa bàn trình UBND
tỉnh phê duyệt và chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ
để tổ chức thực hiện.
3. Vụ Tổ chức cán bộ: là cơ quan tham
mưu và thường trực của Bộ trong việc tổ chức thực hiện Đề án; chủ trì triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động của Bộ.
4. Vụ Tài chính: Hướng dẫn các cơ
quan, đơn vị xây dựng kế hoạch ngân sách, lập dự toán, quản lý, quyết toán kinh
phí thực hiện theo quy định.
5. Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp
và Phát triển nông thôn I, II xây dựng, trình Bộ kế hoạch hành động triển khai Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ
chức thực hiện sau khi được Bộ phê duyệt.
6. Các cơ quan, đơn vị có liên quan
thực hiện các nhiệm vụ được Bộ giao theo khuôn khổ Đề án.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Bộ, các Tổng cục trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ và Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT;
- Lưu VT, TCCB. (265)
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|